Xe tăng lớn nhất thế giới

     

Tại Bảo tàng Tăng thiết giáp ở thị trấn Kubinka, ngoại ô thủ đô Moskva (Liên bang Nga), hiện còn đang trưng bày một hiện vật độc nhất vô nhị, đó là tiêu bản duy nhất dòng xe tăng nặng nhất thế giới Panzerkampfwagen VIII Maus.

Bạn đang xem: Xe tăng lớn nhất thế giới


Xe tăng này được gọi một cách mỉa mai là “Maus”, trong tiếng Đức có nghĩa là “Con chuột”. Tuy nhiên, “con đẻ” của các nhà chế tạo Đức Quốc xã chưa một lần xung trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Siêu tăng theo lệnh đặt hàng

Năm 1942, trùm phát xít Đức Adolf Hitler bắt đầu hiểu ra rằng, kế hoạch “Barbarossa” nhằm đánh chiếm nhanh chóng Liên Xô đã bị thất bại. Để giành lại lợi thế chiến đấu, đòi hỏi quân đội Đức Quốc xã phải có những giải pháp kỹ thuật bất quy tắc. Vì vậy, Quốc trưởng Hitler đã yêu cầu các kỹ sư phải tạo ra siêu vũ khí, đó là loại xe tăng bất khả chiến bại như một “boong-ke di động”.

*
*
*
*

Công trình sư nổi tiếng Ferdinand Porsche là người bắt tay vào chế tạo với vai trò khi đó là Chủ tịch Ủy ban xe tăng Đức. Nhiệm vụ của ông là tạo ra cỗ máy chiến đấu không phải để tấn công, mà trước hết là để tăng cường phòng thủ. Hơn nữa, ngay lúc đó đang diễn ra trận đánh lớn tại thành phố Rzhev của Nga, nơi quân Đức đã tiêu diệt số lượng lớn binh sĩ Liên Xô nhờ sự hỗ trợ của các công trình phòng thủ kiên cố.

Điều đáng nói, hoàn toàn không phải ai trong quân đội Đức Quốc xã cũng tỏ ra hăng hái với phương tiện kỹ thuật mới. Sau khi xem xong mô hình bằng gỗ xe tăng siêu nặng “Porsche Typ 205” năm 1943 trước sự chứng kiến của các quan chức cấp cao Đức, Thượng tướng Heinz Guderian đã chỉ trích mô hình này vì không trang bị súng máy để chiến đấu cự ly gần.

“Bắt đầu nổ ra tranh cãi kịch liệt, bởi tất cả những người có mặt, ngoại trừ tôi, đều cho rằng siêu tăng “Con chuột” tuyệt vời. Nó hứa hẹn sẽ là một “gã khổng lồ””, Tướng Heinz Guderian sau này kể lại trong cuốn “Hồi ức người lính”.

Xem thêm: Người Quét Dọn Tâm Hồn

Những đặc tính kỹ thuật

Hai nguyên mẫu xe tăng Panzerkampfwagen VIII Maus đã được xuất xưởng vào năm 1943 và 1944 tại nhà máy của hãng “Alquette”. Xe tăng có chiều dài 9 m, còn chiều cao và chiều rộng là 3,6 m. Vũ khí chính được trang bị là pháo chống tăng PaK 44 cỡ nòng 128 mm. Điều khiển “Con chuột” đòi hỏi kíp xe tăng phải có 6 người. Các nhà thiết kế đã rất kỹ lưỡng trong việc tạo ra lớp bảo vệ, khi sử dụng những cải tiến được thực hiện trong quá trình nghiên cứu xe tăng hạng nặng KV-1 của Liên Xô (pháo binh Đức gần như bất lực trước mẫu xe tăng này của Liên Xô). Phần vỏ xe tăng “Maus” gồm lớp giáp dày từ 180mm đến 200mm.

Để di chuyển cỗ máy có khối lượng gần 189 tấn, đòi hỏi phải có động cơ siêu mạnh. Sau khi thử nghiệm hàng loạt phương án, các kỹ sư đã chọn động cơ Daimler-Benz MB 509 công suất 1.080 mã lực. Siêu tăng có khả năng chạy với vận tốc 13 km/giờ, tức là chậm hơn 4 lần so với xe tăng huyền thoại T-34 của Liên Xô.

Những thử nghiệm tại nhà máy đã diễn ra thành công. Tuy nhiên, “siêu vũ khí” sau đó đã không được đưa đi sản xuất đại trà. Trước tình trạng khan hiếm nguồn lực, trong khi Đức Quốc xã không có những cơ sở để sản xuất hàng loạt, nên Adolf Hitler đã tự mình hủy bỏ kế hoạch sản xuất 10 chiếc “Con chuột”.

Số phận của siêu tăng

Tháng 4-1945, hai mô hình siêu tăng Panzerkampfwagen VIII Maus chạy bánh xích đã có mặt tại bãi thử Kummersdorf, nằm cách thủ đô Berlin của Đức 30 km về phía Nam. Khi các đơn vị chiến đấu của Hồng quân Liên Xô tiến đến gần bãi thử, thì Bộ tư lệnh Đức Quốc xã ra lệnh cho nổ tung cả hai chiếc “Maus” để chúng không rơi vào tay đối phương. Người Nga đã tháo rời những cỗ máy bị cho nổ tung thành từng chi tiết riêng biệt và lắp chúng lại thành một mẫu hoàn chỉnh. Sau đó, năm 1946, mẫu hoàn chỉnh này được gửi về Liên Xô như là chiến lợi phẩm thu được trong chiến tranh. Chính tiêu bản này hiện nay đang được trưng bày tại thị trấn Kubinka ở ngoại ô Moskva.

Hiện còn một giả thuyết nhưng chưa có đủ kiểm chứng lịch sử, được nêu trong cuốn sách “Công trình sư những cỗ máy chiến đấu” (xuất bản năm 1988 tại Leningrad). Theo đó, người Đức đã từng chế tạo 3 chiếc siêu tăng, nhưng chỉ một chiếc trong số đó nằm lại trên bãi thử. Chiếc thứ hai dường như được đặt cạnh tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ở thành phố Zossen, còn chiếc thứ ba đặt ngay trước Phủ Thủ tướng Đức Quốc xã tại Berlin. Những chiếc xe tăng này đã bị quân đội Liên Xô phá hủy khi tiến vào thủ đô Đức.

Hiện nay, những chiếc siêu tăng Panzerkampfwagen VIII Maus có thể bắt gặp phổ biến trong những trò chơi mô phỏng xe tăng, trong đó “Con chuột” được mô tả là loại xe tăng bất khả xâm phạm nhất.