Vai trò của nhân dân

     
*


Giới thiệu Tin tức - Sự kiện Hoạt động bảo tàng Hoạt động bảo tồn Nhà trưng bày bảo tàng
TCCS - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra 4 nhóm giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó nhóm giải pháp thư tư nêu rõ việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Bạn đang xem: Vai trò của nhân dân


*

Với vai trò là lực lượng quyết định sự phát triển của lịch sử, quần chúng nhân dân (bao gồm cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chứ không chỉ là “những người ngoài Đảng” như cách hiểu thông thường hiện nay) có những tác động tích cực, quyết định đến hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

1- Kế thừa kinh nghiệm và rút ra những bài học sâu sắc về sự thất bại của nhiều phong trào đấu tranh yêu nước trước đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 với mục tiêu lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia và xây dựng một xã hội, trong đó con người được no đủ về vật chất, phong phú về tinh thần. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ ngày có Đảng đến nay cho thấy, mục tiêu đó không hề thay đổi. Có những giai đoạn, mặc dù sự nghiệp cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, phong trào cách mạng có lúc gần như lâm vào thoái trào nhưng mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân vẫn gắn bó mật thiết, quần chúng nhân dân vẫn là chỗ dựa vững chắc để Đảng củng cố, xây dựng và tiếp tục phát triển phong trào cách mạng. Chính sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam cho đến ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về mối quan hệ giữa Đảng ta với nhân dân: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”(1). Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân... Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”(2).

2 - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp. Trong các nguyên nhân đó có nguyên nhân: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân... Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao”(3).

Nhiều cá nhân cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, các địa bàn dân cư đã vượt qua định kiến, không lo bị trù dập, trả thù,... thậm chí không sợ cả những nguy hại đến bản thân cũng như sinh mệnh chính trị của mình, đã trung thực, thẳng thắn phê bình, nêu ý kiến, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho người có trách nhiệm để giải quyết vụ việc kịp thời, hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy, cấp ủy, tổ chức đảng nào nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân, biết lắng nghe, chọn lọc, phân tích ý kiến của quần chúng nhân dân, chủ động phối hợp trong việc xử lí các ý kiến, kiến nghị, đơn thư phản ánh, tố cáo đối với đảng viên, nhất là những chứng cứ cụ thể, xác thực phục vụ việc kiểm tra, xem xét, kết luận, xử lí đúng người, đúng việc thì cấp ủy, tổ chức đảng ở đó ngày càng vững mạnh. Đồng thời, đây cũng là yếu tố quyết định sự lớn mạnh của phong trào quần chúng nhân dân.

Thực tế, ở nơi nào niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào tổ chức, cấp ủy đảng mạnh mẽ thì ở đó vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong xây dựng Đảng được phát huy cao độ thông qua việc đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh, chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng để kịp thời xử lý với tinh thần đấu tranh, phê bình xây dựng Đảng.

Vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, củng cố Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được thể hiện một cách sinh động bằng các hình thức, biện pháp, như Mặt trận Tổ quốc tổ chức các hòm thư đóng góp ý kiến, kiến nghị của nhân dân tại các cơ quan (nhất là trụ sở xã, phường, thị trấn); tổ chức các hội nghị đóng góp ý kiến về năng lực điều hành, đạo đức, lối sống và lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối với cán bộ chủ chốt ở cơ sở được dân bầu; tổ chức đóng góp ý kiến vào quá trình chuẩn bị đại hội cấp ủy các cấp theo nhiệm kỳ, nhất là phần xây dựng nhân sự cấp ủy khóa mới... đã góp phần rất quan trọng vào kết quả xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở các địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, cùng với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, biểu hiện ở một số mặt. Trong không ít tổ chức, cấp ủy đảng có những vụ việc được quần chúng nhân dân nêu lên nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc giải quyết không hợp tình, hợp lý, thậm chí còn có hiện tượng bao che. Cũng có nơi, việc phát huy vai trò giám sát, góp ý kiến của quần chúng nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể về mặt hình thức thì tích cực nhưng thực hiện không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, như có đặt hòm thư, thùng thư góp ý kiến ở cơ quan, đơn vị nhưng nhận được rất ít hoặc không nhận được ý kiến đóng góp, kiến nghị của nhân dân. Cũng không ít cấp ủy, tổ chức đảng thuộc khối các cơ quan, đơn vị, việc tổ chức để quần chúng tham gia góp ý kiến cho đảng viên, tổ chức, cấp ủy đảng còn mang tính hình thức, nhận xét góp ý chung chung hoặc chỉ một chiều ca ngợi vì ngại va chạm, trong khi đó bên trong ngày càng xuất hiện mầm mống mất dân chủ, cục bộ, bè phái... dễ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ.

Một bộ phận quần chúng nhân dân không tin tưởng vào việc tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị ở một số tổ chức, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nên dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi, sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng còn không ít vụ việc khiếu kiện vượt cấp hoặc viết đơn thư tố cáo tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhưng giấu tên gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều, đúng sai không rõ trong xã hội. Cả hai mặt tiêu cực này đều do việc lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa tốt. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thiếu khách quan hoặc bị các “nhóm lợi ích” thao túng trong việc xử lý vụ việc, không bảo vệ người dũng cảm đấu tranh, phê bình, tố cáo đúng hoặc chưa có giải pháp mạnh mẽ giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện, góp ý phê bình xuất phát từ những động cơ tiêu cực hoặc bị kẻ xấu lợi dụng; Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể không làm tốt vai trò là chỗ dựa để quần chúng nhân dân thực hiện phê bình, góp ý và giám sát cán bộ, đảng viên hoặc chưa tuyên truyền, giải thích, đấu tranh để những người khiếu kiện, viết đơn thư tố cáo chưa đúng hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

Một yêu cầu quan trọng trong giải pháp này là muốn quần chúng nhân dân tin vào Đảng và nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay thì cấp ủy, tổ chức đảng phải khắc phục cho được những suy thoái trong tổ chức, cấp ủy của mình. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, các tổ chức, cấp ủy đảng phải chỉ ra được những vấn đề, vụ việc, cá nhân, tập thể đã vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm cùng với phương hướng khắc phục, sửa chữa cụ thể, không đánh giá chung chung, mơ hồ, không rõ địa chỉ.

Xem thêm: Giá Xe Suzuki Vitara 2016 VớI Giá 600 TriệU? Suzuki Vitara 2016

3- Để phát huy cao độ vai trò của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cần tiến hành các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, các tổ chức, cấp ủy đảng phải làm tốt công tác tư tưởng để quần chúng nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay theo mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã nêu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình”(4) để quần chúng nhân dân tin tưởng và thực hiện việc phê bình, góp ý kiến xây dựng Đảng với tất cả tấm lòng, trách nhiệm của mình.

Trong sinh hoạt chính trị theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, nếu không chỉ ra được những vấn đề, vụ việc, cá nhân, tập thể đã vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm cùng với phương hướng khắc phục, sửa chữa cụ thể thì ngay trong tổ chức, cấp ủy đảng sẽ nảy sinh tình trạng: với những sai phạm, khuyết điểm theo đánh giá của tổ chức, cấp ủy đảng thì cán bộ, đảng viên nào cũng thấy có mình ở trong đó nhưng không ai thấy được trách nhiệm của mình ở đâu, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân, tất cả đều là do tập thể. Như vậy thì không có cơ sở để quần chúng nhân dân tin tưởng rằng cấp ủy, tổ chức đảng đã nói thật và làm thật; chưa thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã yêu cầu.

Thứ hai, tích cực phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Khắc phục ngay việc chậm trễ cụ thể hóa chủ trương: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” bằng việc “ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội...; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”(5) đã được nêu trong các nhóm giải pháp của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI.

Trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện: “cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”(6) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, có sơ kết, tổng kết, điều chỉnh, bổ sung giải pháp phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền mỗi cấp.

Bộ Chính trị sớm ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”, tiến tới thể chế hóa bằng văn bản pháp luật, đồng thời điều chỉnh, bổ sung vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp và các luật liên quan, đặc biệt là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi sắp tới để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực sự là đại diện của quần chúng nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đúng với yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI. Đảng và Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư về con người, bộ máy, điều kiện làm việc... của Mặt trận Tổ quốc với tư cách là “một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có đủ năng thực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội bằng việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở các cấp, các ngành (không chỉ dừng lại ở Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn như hiện nay) để bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước (ngoại trừ những điều thuộc an ninh, quốc phòng, bí mật quốc gia). Thực hiện tốt nguyên tắctập trung dân chủtrong tổ chức, cấp ủy đảng và nguyên tắchiệp thương dân chủtrong Mặt trận Tổ quốc để vừa giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức và sinh hoạt đảng, vừa phát huy tinh thần dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, phân tích mức độ đúng sai, thấu lý đạt tình trong phê bình, đóng góp ý kiến. Mặt khác, bảo vệ người đã phát hiện, nêu ý kiến về những sai trái của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường giáo dục, kiểm tra về nhận thức và thực hiện vai trò hạt nhân chính trị, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức, cấp ủy đảng ở cấp mình cùng với công tác xây dựng Đảng về tổ chức để nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, năng lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đảng viên; nghiêm túc trong thực hiện tự phê bình và phê bình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị sớm ban hành cơ chế thực hiện “Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”(7) để khắc phục tình trạng lâu nay mới thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc, còn vai trò thành viên thì chưa rõ, chưa được quần chúng nhân dân tin tưởng, gắn bó như mong đợi. Trong vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tính gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ của tổ chức, cấp ủy đảng trước các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; cử đúng thành phần đại diện lãnh đạo cấp ủy tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp như các tổ chức thành viên khác; cử đảng viên của cấp ủy có đủ đức và tài làm người đứng đầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; kịp thời thông tin, báo cáo kết quả hoạt động của cấp ủy trong việc thực hiện Nghị quyết và Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; thực hiện sự bình đẳng, tôn trọng các ý kiến thảo luận, bàn bạc của các thành viên trong quá trình hiệp thương dân chủ để đi đến thống nhất chương trình hành động hoặc các hoạt động khác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, không áp đặt sự lãnh đạo, chỉ đạo trong sinh hoạt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp khi thực hiện vai trò thành viên. Các cấp ủy đảng phải làm tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là chủ trì điều hòa các mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền theo quy định của pháp luật đã ban hành, chỗ nào chưa đúng với yêu cầu, nhiệm vụ thì kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thực hiện tốt việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể theo chủ trương, quy định của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhất định sẽ nâng cao sự vững mạnh của các tổ chức cấp ủy đảng, củng cố sự liên hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức, mang tính sống còn của Đảng hiện nay và sẽ thành công khi quần chúng nhân dân chung tay, góp sức./.

--------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr. 197

(2) Hồ Chí Minh:Sđd, t. 7, tr. 235

(3)Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 24 - 25

(4) Hồ Chí Minh:Sđd, t. 7, tr. 235

(5)Văn kiện Hội nghị lần thứ tư đã dẫn, tr. 35

(6)Văn kiện Hội nghị lần thứ tư đã dẫn, tr. 37