Nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến

     

Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển là hai nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Bạn đang xem: Nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến

Trước hết, ta cần hiểu “nguyên lý”, hay nguyên tắc, là những tư tưởng ban đầu, xuất phát, có vai trò định hướng, chỉ đạo việc triển khai những lý thuyết tiếp theo.

Hiểu một cách chung nhất, “phổ biến” là tồn tại ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực. Những lĩnh vực này được khái quát thành 03 lĩnh vực lớn nhất là tự nhiên, xã hội và tư duy.


I. Khái niệm về mối liên hệ phổ biến

– Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, mối liên hệ phổ biến” là khái niệm chỉ sự quy định, tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hoặc giữa các mặt của một sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan.

Theo nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, mọi sự vật, hiện tượng, quá trình trong thực tế đều tác động đến nhau. Không có sự vật, hiện tượng nào tách biệt hoàn toàn với các sự vật, hiện tượng khác.


– Hiểu một cách khái quát thì:

+ “sự quy định” là sự lệ thuộc vào nhau giữa các sự vật (hay hiện tượng) A và B.

+ “tác động qua lại” là tác động hai chiều; A tác động vào B, đồng thời B cũng tác động vào A.

+ “chuyển hóa lẫn nhau” là A “biến” thành một phần hay toàn bộ B và ngược lại.

 Ở trên, ta chỉ đề cập 02 sự vật (hay hiện tượng) A và B cho dễ hiểu. Trong thực tế, “mối liên hệ phổ biến” bao quát A, B, C, D…, n, đến vô cùng. Điều này cũng đúng với vô số các mặt trong mỗi sự vật, hiện tượng A, B, C, D…


II. Tính chất của mối liên hệ phổ biến

1. Tính khách quan của mối liên hệ phổ biến

– Trong thế giới vật chất, các sự vật, hiện tượng luôn có mối liên hệ với nhau, dù nhiều dù ít. Điều này là khách quan, không lệ thuộc vào việc con người có nhận thức được các mối liên hệ hay không.


Sở dĩ mối liên hệ có tính khách quan là do thế giới vật chất có tính khách quan. Các dạng vật chất (bao gồm sự vật, hiện tượng) dù có vô vàn, vô kể, nhưng thống nhất với nhau ở tính vật chất. Có điểm chung ở tính vật chất tức là chúng có mối liên hệ với nhau về mặt bản chất một cách khách quan.

– Có những mối liên hệ rất gần gũi ta có thể nhận thấy ngay. Ví dụ như mối liên hệ giữa con gà và quả trứng.

Nhưng có những mối liên hệ phải suy đến cùng, qua rất nhiều khâu trung gian, ta mới thấy được. Gần đây, chúng ta hay được nghe về lý thuyết “hiệu ứng cánh bướm”. Lý thuyết này xuất phát từ quan điểm cho rằng những sự vật, hiện tượng ở rất xa nhau nhưng đều có liên quan đến nhau.

*
*
Do vạn vật liên hệ với nhau, nên chỉ cần đôi cánh của nàng bướm xinh là có thể gây nên những thay đổi ở đâu đó rất xa.

2. Tính phổ biến của mối liên hệ phổ biến

Các mối liên hệ tồn tại giữa tất cả các sự vật, hiện tượng của tự nhiên, xã hội và tư duy. Không có sự vật, hiện tượng bất kỳ nào mà không có sự liên hệ với phần còn lại của thế giới khách quan.

Lấy lĩnh vực tự nhiên để phân tích, ta có những mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng thuộc riêng lĩnh vực tự nhiên. Cũng có những mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng thuộc tự nhiên với các sự vật, hiện tượng thuộc lĩnh vực xã hội. Lại có những mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng tự nhiên với các hiện tượng thuộc lĩnh vực tư duy (hay tinh thần)

Khi lấy lĩnh vực xã hội hoặc tư duy để phân tích, ta cũng có những mối liên hệ đa lĩnh vực như trên.

3. Tính phong phú, đa dạng của mối liên hệ phổ biến

Đó là sự muôn hình, muôn vẻ của những mối liên hệ. Tính đa dạng, nhiều loại của sự liên hệ do tính đa dạng trong sự tồn tại, vận động và phát triển của chính các sự vật, hiện tượng quy định.

Các loại liên hệ khác nhau có vai trò khác nhau đối với sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng. Ta có thể nêu một số loại hình cơ bản sau:

– Liên hệ bên trong và liên hệ bên ngoài.

 Mối liên hệ bên trong là mối liên hệ qua lại, tác động lẫn nhau giữa các yếu tố, các bộ phận, các thuộc tính, các mặt khác nhau… trong cùng một sự vật. Nó giữ vai trò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của sự vật.

Mối liên hệ bên ngoài là mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng khác nhau. Nhìn chung, nó không có ý nghĩa quyết định. Mối quan hệ này thường phải thông qua mối liên hệ bên trong để phát huy tác dụng.

– Liên hệ bản chất và không bản chất, liên hệ tất yếu và ngẫu nhiên.

Cũng có những tính chất, đặc điểm nêu trên. Ngoài ra, chúng còn có tính đặc thù. Chẳng hạn, cái là ngẫu nhiên khi xem xét trong mối quan hệ này, lại là tất nhiên trong mối quan hệ khác.

– Liên hệ chủ yếu và thứ yếu; liên hệ trực tiếp và gián tiếp.

Cách phân loại này nói đến vai trò quyết định đối với sự vận động, phát triển của sự vật.

– Liên hệ bản chất và không bản chất; liên hệ cơ bản và không cơ bản.

Cách phân loại này nói lên thực chất của mối liên hệ là gì.

Xem thêm: Cập Nhật Kết Quả Bóng Đá Mới Nhất, Kết Quả Bóng Đá Mới Nhất

– Liên hệ bao quát toàn bộ thế giới và liên hệ bao quát một số hoặc một lĩnh vực.

Cách phân loại này vạch ra quy mô của mối liên hệ.

-…v…v…

Sự phân loại các mối liên hệ có tính tương đối, vì ta phải đặt mỗi sự liên hệ vào một tình huống, mối quan hệ cụ thể.

(Lưu ý: hai từ “liên hệ” và “quan hệ” không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau.).

Các loại liên hệ khác nhau có thể chuyển hóa cho nhau. Sự chuyển hóa như vậy là do ta thay đổi phạm vi xem xét, phân loại hoặc do kết quả vận động khách quan của chính sự vật, hiện tượng.

Phép biện chứng duy vật tập trung nghiên cứu những mối liên hệ chung nhất trong thế giới khách quan, mang tính phổ biến. Những ngành khoa học cụ thể (toán, lý, hóa…) nghiên cứu những kiểu liên hệ riêng biệt trong các bộ phận khác nhau của thế giới.

III. Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến

Từ việc nghiên cứu nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng, chúng ta rút ra quan điểm toàn diệnquan điểm lịch sử – cụ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Bài viết về “quan điểm khách quan” tại đây.

1. Quan điểm toàn diện

Quán triệt quan điểm toàn diện, chúng ta phải xem xét sự vật, hiện tượng như sau:

– Trong nhận thức, trong học tập:+ Một là, xem xét các mối quan hệ bên trong của sự vật, hiện tượng.

Tức là xem xét những mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, các tuộc tính khác nhau của chính sự vật, hiện tượng đó.

+ Hai là, xem xét các mối quan hệ bên ngoài của sự vật, hiện tượng.

Tức là, xem xét sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ qua lại giữa sự vật, hiện tượng đó với các sự vật, hiện tượng khác, kể cả trực tiếp và gián tiếp.

+ Ba là, xem xét sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với nhu cầu thực tiễn.

Ứng với mỗi con người, mỗi thời đại và trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, con người bao giờ cũng chỉ phản ánh được một số hữu hạn những mối liên hệ. Do đó, trí thức đạt được về sự vật, hiện tượng chỉ là tương đối, không trọn vẹn, đầy đủ.

Ý thức được điều này sẽ giúp ta tránh được tuyệt đối hóa những tri thức đã có, tránh xem đó là những chân lý luôn luôn đúng. Để nhận thức được sự vật, chúng ta phải nghiên cứu tất cả những mối liên hệ.

+ Bốn là, tuyệt đối tránh quan điểm phiến diện khi xem xét sự vật, hiện tượng.

Phiến diện tức là chỉ chú ý đến một hoặc một số ít những mối quan hệ. Cũng có nghĩa là xem xét nhiều mối liên hệ nhưng đều là những mối liên hệ không bản chất, thứ yếu… Đó cũng là cách cào bằng những thuộc tính, những tính quy định trong bản thân mỗi sự vật.

Quan điểm toàn diện đòi hỏi ta phải đi từ tri thức về nhiều mặt, nhiều mối liên hệ đến chỗ khái quát để rút ra cái bản chất, cái quan trọng nhất của sự vật, hiện tượng. Điều này không đồng nhất với cách xem xét dàn trải, liệt kê.

– Trong hoạt động thực tiễn

+ Quan điểm toàn diện đòi hỏi, để cải tạo được sự vật, chúng ta phải dùng hoạt động thực tiễn để biến đổi những mối liên hệ nội tại của sự vật và những mối liên hệ qua lại giữa sự vật đó với những sự vật khác.

Để đạt được mục đích đó, ta phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, phương tiện khác nhau để tác động nhằm làm thay đổi những mối liên hệ tương ứng.

+ Quan điểm toàn diện cũng đòi hỏi chúng ta phải kết hợp chặt chẽ giữ “chính sách dàn đều” và “chính sách có trọng điểm”. Ví dụ như trong thực tiễn xây dựng, triển khai chính sách Đổi Mới, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa coi trọng đổi mới toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…, vừa nhấn mạnh đổi mới kinh tế là trọng tâm.

2. Quan điểm lịch sử – cụ thể

Mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại trong không – thời gian nhất định và mang dấu ấn của không – thời gian. Do đó, ta nhất thiết phải quán triệt quan điểm lịch sử – cụ thể khi xem xét, giải quyết mọi vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Nội dung cốt lõi của quan điểm này là chúng ta phải chú ý đúng mức đến hoàn cảnh lịch sử – cụ thể đã làm phát sinh vấn đề đó, tới bối cảnh hiện thực, cả khách quan và chủ quan, của sự ra đời và phát triển của vấn đề.

Nếu không quán triệt quan điểm lịch sử – cụ thể, cái mà chúng ta coi là chân lý sẽ trở nên sai lầm. Vì chân lý cũng phải có giới hạn tồn tại, có không – thời gian của nó.

tiengtrungquoc.edu.vn

Xin mời các bạn đưa ra một vài bình luận để bài viết có thể hoàn thiện hơn.

Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn hãy để lại câu hỏi ở phần comment để mình có thể giải đáp khi thời gian cho phép nhé!