Cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng 4.0 đối với quân đội

     
*

Những chủ trương công tác lớn
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm
Bình luận - Phê phán

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ, làm biến đổi sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Vì vậy, tận dụng tính tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của nó và xác định rõ vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam là hết sức cần thiết.

Bạn đang xem: Cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng 4.0 đối với quân đội

Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp với các bước phát triển nhảy vọt về khoa học, công nghệ và hiện nay đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Bản chất của cuộc cách mạng này là dựa trên nền tảng công nghệ số và sự tích hợp các công nghệ thông minh trên lĩnh vực vật lý và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ na-nô, v.v. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Cách mạng công nghiệp 4.0 có tốc độ đột phá chưa từng có trong lịch sử, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, làm thay đổi hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trước đây, sự phát triển, tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào có giới hạn (nhân công, tài nguyên,...), thì giờ đây, khi áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, sự tăng trưởng lại chủ yếu dựa vào các yếu tố không bị giới hạn (công nghệ, sự đổi mới sáng tạo,...); từ đó, tác động mạnh mẽ đến sản xuất, tiêu dùng, giá cả trên phạm vi toàn cầu, hình thành các lĩnh vực hoạt động mới, như: “In-tơ-nét công nghiệp”, “Nhà máy thông minh”, “Thành phố công nghệ”, “Xã hội siêu thông minh”, v.v. Đồng thời, tác động mạnh mẽ, tạo cơ sở tối ưu hóa quá trình, phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những thách thức, như: có thể làm chậm lại, thậm chí làm đổi hướng sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược kinh tế toàn cầu, gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, tác động tiêu cực đến các nước chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ, buộc các nước phải tái cơ cấu nền kinh tế; một số ngành kinh tế bị thu hẹp, đào thải; nhóm lao động giản đơn, lớn tuổi, ít kỹ năng, gắn với công nghệ cũ có nguy cơ thất nghiệp rất cao.

Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ có tác động mạnh mẽ, toàn diện, mang đến những bước phát triển cao hơn cùng những thách thức lớn hơn. Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi; tạo ra các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, như: vũ khí năng lượng, gen sinh học, rô-bốt tác chiến,... với những tính năng vượt trội, có sự nhảy vọt về chất; từ đó, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới. Tuy nhiên, việc ứng dụng các sản phẩm của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động quân sự, ở góc độ nào đó có thể tạo ra hệ lụy nguy hiểm. Các nước, nhất là nước lớn, có thể sử dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự vào mục đích không chính nghĩa, sử dụng “sức mạnh mềm”, can dự, chi phối về chính trị, chính sách đối nội, đối ngoại của các nước khác; thực hiện “điều khiển” từ xa, từ bên ngoài, buộc các nước đang phát triển, chậm phát triển phải phụ thuộc, mất độc lập, tự chủ, khó nhận thấy hoặc nhận thấy nhưng khó cưỡng lại. Nhu cầu đầu tư vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém và càng phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các nước phát triển. Trong khi đó, thế giới chưa có cơ chế để quản lý, giám sát việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ quân sự mới để hạn chế tác động từ mặt trái của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những nhân tố nêu trên tác động lớn, nhiều mặt đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để tận dụng thời cơ, hạn chế thách thức, tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chúng ta cần có các chủ trương, giải pháp chiến lược đồng bộ.

Trước hết, cần phải đổi mới tư duy về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phải khẳng định rằng, hiện nay và thời gian tới, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn về vai trò, tác động của cuộc cách mạng này cả mặt tích cực và tiêu cực đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng Việt Nam; từ đó, xác lập các giải pháp đồng bộ, thiết thực. Trong bối cảnh chiến lược mới và dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ làm gia tăng sự chênh lệch về sức mạnh quân sự, quốc phòng giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta lựa chọn con đường mua sắm vũ khí, trang bị để hiện đại hóa Quân đội là chủ yếu thì sẽ bất lợi và không thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch với các nước. Mặt khác, trí tuệ nhân tạo, vũ khí, phương tiện mới, dù hiện đại đến đâu, đều là sản phẩm của con người và do con người khai thác, làm chủ. Vì thế, cùng với việc đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa nhân tố con người và vũ khí. Theo đó, chúng ta cần dựa trên hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ thiết yếu kết hợp với phát huy nhân tố con người trong điều kiện mới để tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, tạo “gia tốc” phát triển lớn hơn, đối phó hiệu quả với thách thức của vũ khí công nghệ cao. Cần thấy rằng, đối với nước ta, dù có phát triển đến đâu thì chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc vẫn là phương thức hữu hiệu nhất để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, trong điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không chỉ cần có ý chí, quyết tâm mà phải có trí tuệ, trình độ khoa học, công nghệ bắt kịp với sự phát triển của thời đại và điều đó cũng có nghĩa là, chiến tranh nhân dân cần phát triển lên tầm cao mới về mọi mặt.

Xem thêm: Vì Sao Quang Hải Chọn Khoác Áo Số 19 U23 Việt Nam, Nguyễn Tuấn Anh (Cầu Thủ Bóng Đá)

Hai là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi con người chính là nhân tố quyết định trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ quân sự của Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực thời kỳ này cao hơn nhiều; trong đó, quan trọng nhất là phát huy được tính sáng tạo và khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến. Nếu như trong các ngành kinh tế, xuất hiện ngày càng nhiều “nhân viên lao động số”, thì trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự càng cần xây dựng đội ngũ sĩ quan chất lượng cao, “nhân viên chuyên môn kỹ thuật số”. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói riêng giữ vai trò rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần chú trọng đào tạo, huấn luyện về khoa học, công nghệ, ngoại ngữ; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. Trong đó, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo khoa học, công nghệ quân sự và ngoại ngữ kết hợp với nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao lưỡng dụng; đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội.

Ba là, nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự và khoa học kỹ thuật, hậu cần quân sự. Để làm được điều đó, việc nghiên cứu phát triển lý luận nghệ thuật quân sự cần tập trung vào đặc điểm của chiến tranh công nghệ cao; phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân đối phó với các hình thái chiến tranh xâm lược mới; hình thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến, chiến tranh. Chú trọng nghiên cứu lý luận tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là về cơ cấu, tổ chức các quân chủng, binh chủng và vấn đề trang bị cho các lực lượng này. Từ đó, có hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện, đào tạo theo phương thức tạo ra các “sản phẩm” đáp ứng cao nhất yêu cầu của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đối với khoa học xã hội nhân văn quân sự, cần tập trung nghiên cứu làm phong phú và sâu sắc hơn lý luận về nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội; về nhân tố chính trị, tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng địch. Khoa học kỹ thuật, hậu cần quân sự tập trung nghiên cứu phát triển các phương tiện kỹ thuật, hậu cần quân sự công nghệ cao; phương thức, giải pháp bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm hậu cần cho các hình thái chiến tranh mới, các loại hình tác chiến chiến lược, nhất là trong các môi trường không, bộ, biển và không gian mạng, v.v. Quá trình thực hiện cần theo phương châm nghiên cứu, sáng tạo các nguyên lý, phương thức, sản phẩm mới, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn là, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Đây là lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc từ Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời là nhân tố có vai trò quan trọng, trực tiếp chế tạo các sản phẩm công nghệ cao trang bị cho Quân đội. Do đó, cần lựa chọn các nhóm, ngành công nghệ phù hợp với khả năng, điều kiện của Việt Nam; ưu tiên đầu tư xây dựng có trọng điểm cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổng công ty, tiến tới hình thành tập đoàn công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, làm nòng cốt, nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ cao, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Từng bước hòa nhập công nghiệp quốc phòng vào hệ thống công nghiệp quốc gia, khai thác có hiệu quả các nguồn lực: nhà nước, xã hội, tập trung xây dựng, phát triển công nghiệp lưỡng dụng công nghệ cao; kết hợp sản xuất với mua sắm, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự cho lực lượng vũ trang.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh bổ sung, điều chỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình dự án trọng điểm. Quá trình thực hiện cần trên cơ sở tổng kết, đánh giá cơ chế, chính sách, hệ thống luật pháp hiện hành và yêu cầu mới của lĩnh vực quân sự, quốc phòng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 để bổ sung, điều chỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhưng chặt chẽ để tận dụng cơ hội, hạn chế tác động tiêu cực. Qua đó, làm cơ sở xây dựng kế hoạch chiến lược tổng thể về quốc phòng, quân sự thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: phát triển khoa học, công nghệ, nghệ thuật quân sự, an ninh và ứng dụng các thành tựu khoa học vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, v.v. Đó là những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, đổi mới tư duy, tiến hành đồng bộ các nội dung, giải pháp nêu trên là cách thức để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, khó khăn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.