Xây dựng vị trí việc làm

     
Đổi mới công tác xây dựng vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI
*
In Đổi mới công tác xây dựng vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đặt ra yêu cầu cải cách chính sách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, việc xây dựng vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cần được nghiên cứu đổi mới cả về cách thức tiếp cận và phương pháp xác định.

Bạn đang xem: Xây dựng vị trí việc làm

*

TS Vũ Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ.

1. Khái quát việc triển khai xác định vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua

1.1. Kết quả triển khai xác định vị trí việc làm

Căn cứ quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành(1), trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành các quyết định phê duyệt Danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc các bộ, ngành và địa phương (không áp dụng với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an).

1.2. Cách tiếp cận và phương pháp xác định vị trí việc làm

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), việc xác định vị trí việc làm thời gian qua được triển khai thống nhất theo cách tiếp cận “từ dưới lên” với phương pháp tiến hành qua 08 bước: 1) Thống kê công việc; 2) Phân nhóm công việc; 3) Xác định yếu tố ảnh hưởng; 4) Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ CBCCVC; 5) Xác định bảng danh mục vị trí việc làm; 6) Xây dựng bản mô tả công việc; 7) Xây dựng khung năng lực; 8) Xác định ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm. Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu xác định vị trí việc làm vẫn còn một số hạn chế, bất cập sau:

Một là, việc xác định vị trí việc làm được tiến hành theo hướng tiếp cận “từ dưới lên” và phê duyệt theo quyết định cá biệt đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất, liên thông các vị trí việc làm có sự tương đồng về tính chất, mức độ phức tạp của công việc.

Hai là, danh mục vị trí việc làm được xác định quá chi tiết (theo thực trạng công việc và biên chế được giao) dẫn đến chưa bảo đảm tính thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có sự tương đồng về loại hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được cấp có thẩm quyền giao.

Ba là, việc xác định vị trí việc làm gắn với ngạch tối thiểu (thấp nhất) chưa phản ánh được tính chất, mức độ phức tạp theo yêu cầu của nhiệm vụ đối với từng vị trí. Thực tế cho thấy, một số vị trí việc làm có cùng tính chất, mức độ phức tạp nhưng lại áp dụng ngạch tối thiểu khác nhau. Theo đó, việc phân công nhiệm vụ cho CBCCVC chưa thực sự gắn với vị trí việc làm (có thể thay đổi ngạch mà không thay đổi việc làm hoặc phân công việc làm mới mà không thay đổi ngạch).

Bốn là, việc xác định vị trí việc làm gắn với bố trí đội ngũ CBCCVC nên chưa có tác động tích cực trong thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.

2. Đổi mới công tác xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII

Để đáp ứng mục tiêu cải cách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII, việc xác định vị trí việc làm đối với CBCCVC cần được nghiên cứu đổi mới theo hướng sau:

2.1. Về cách tiếp cận

Để bảo đảm tính thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, vị trí việc làm phải được xác định phù hợp với chức danh, chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức năng, nhiệm vụ do CBCCVC đảm nhiệm, bảo đảm tính hệ thống với cách tiếp cận “từ trên xuống - thống nhất - liên thông giữa các cấp quản lý và phù hợp với các quy định của Đảng và của pháp luật”.

Theo cách tiếp cận này, vị trí việc làm đối với CBCCVC được xác định như sau:

- Các vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được xác định từ cao xuống thấp theo cấp quản lý, bảo đảm mối tương quan trong cả hệ thống chính trị.

- Các vị trí việc làm của công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính được xác định theo 3 nhóm: 1) Nghiệp vụ chuyên ngành, lĩnh vực; 2) Nghiệp vụ chuyên môn; 3) Hỗ trợ, phục vụ. Trong đó, nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành, lĩnh vực được xác định phù hợp với phân quyền, phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và được áp dụng liên thông giữa các cấp hành chính từ Trung ương đến cấp huyện; 02 nhóm vị trí việc làm còn lại được sử dụng chung tại các cấp hành chính.

- Các vị trí việc làm của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được xác định theo 3 nhóm: 1) Chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, lĩnh vực; 2) Chức danh nghề nghiệp chuyên môn; 3) Hỗ trợ, phục vụ, bảo đảm phù hợp chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực. Trong đó, việc xác định vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, lĩnh vực phải được gắn với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức cụ thể, bảo đảm tính kế thừa và phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

2.2. Về nguyên tắc xây dựng danh mục vị trí việc làm

- Đối với vị trí việc làm của cán bộ, công chức:

+ Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; không căn cứ vào biên chế hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xây dựng danh mục vị trí việc làm.

+ Bảo đảm tính thống nhất, liên thông từ Trung ương đến cấp huyện.

+ Phù hợp với phân công, phân cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương.

+ Kế thừa các vị trí việc làm có ngạch công chức chuyên ngành theo quy định của pháp luật; vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; hỗ trợ, phục vụ đặc thù thuộc ngành, lĩnh vực.

Xem thêm: Nhà Ga T1 Nội Bài - Sân Bay Quốc Tế Nội Bài

+ Mỗi vị trí việc làm phải gắn với một chức vụ, chức danh, ngạch công chức và nội dung công việc cụ thể(3).

- Đối với vị trí việc làm của viên chức:

+ Xác định vị trí việc làm của viên chức lãnh đạo, quản lý theo vị trí pháp lý của đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Vị trí việc làm của viên chức theo chức danh nghề nghiệp chuyên ngành được xác định phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu, quản lý dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực (có kế thừa các vị trí việc làm có tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành theo quy định của pháp luật).

+ Vị trí việc làm của viên chức nghề nghiệp chuyên môn áp dụng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ áp dụng tương tự như đối với các vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong các tổ chức hành chính (có tính đến các vị trí việc làm đặc thù theo ngành, lĩnh vực).

+ Mỗi vị trí việc làm của viên chức phải gắn với một chức vụ, chức danh nghề nghiệp hoặc hạng chức danh nghề nghiệp tương đương và nội dung công việc cụ thể.

2.3. Về phương pháp xác định

- Đối với cán bộ, công chức(4):

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, việc xác định vị trí việc làm đối với nhóm lãnh đạo, quản lý được dựa trên hệ thống các chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý của tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (khi tổng hợp trong khung danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị thì cần loại bỏ các vị trí việc làm trùng nhau). Đối với các nhóm vị trí việc làm của công chức thì phương pháp xác định được tiến hành theo 04 bước sau:

Bước 1: thống kê chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và phân tích quy trình quản lý để xác định các nhóm nhiệm vụ chính.

Bước 2: căn cứ nội dung của từng nhóm nhiệm vụ chính và phân loại theo tính chất, tầm quan trọng và mức độ phức tạp gắn với sản phẩm kết quả đầu ra cụ thể làm cơ sở xác định cơ cấu ngạch công chức đối với từng vị trí việc làm.

Bước 3: căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực, xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực đối với từng cấp quản lý (Trung ương, tỉnh, huyện) để xác định ngạch công chức cao nhất đối với từng vị trí việc làm ở mỗi cấp.

Bước 4: xác định vị trí việc làm theo từng nhóm nhiệm vụ chính gắn với ngạch công chức cụ thể, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp quản lý.

- Đối với viên chức:

Theo quy định của Luật Viên chức thì vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, việc xác định vị trí việc làm đối với nhóm lãnh đạo, quản lý được dựa trên hệ thống các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện (các vị trí này được xác định phù hợp với vị trí pháp lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Tên gọi cụ thể của các vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực có thể khác nhau nhưng được xác định tương đương khi có cùng vị trí pháp lý trong khung danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập).

- Đối với các nhóm vị trí việc làm của viên chức thì phương pháp xác định được tiến hành theo 03 bước sau:

Bước 1: thống kê chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực và phân tích quy trình quản lý để xác định các nhóm nhiệm vụ chính.

Bước 2: căn cứ nội dung của từng nhóm nhiệm vụ chính và phân loại theo tính chất, tầm quan trọng và mức độ phức tạp gắn với sản phẩm kết quả đầu ra cụ thể làm cơ sở xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức đối với từng vị trí việc làm.

Bước 3: xác định vị trí việc làm theo từng nhóm nhiệm vụ chính gắn với chức danh nghề nghiệp viên chức cụ thể, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.

Trên cơ sở khung danh mục vị trí việc làm đối với CBCCVC được xác định theo cách tiếp cận, nguyên tắc, phương pháp nêu trên, các cơ quan được phân công xác định vị trí việc làm theo các nhóm có trách nhiệm thực hiện bước tiếp theo là xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm. Trên cơ sở khung danh mục và bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định vị trí việc làm của từng cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức đó./.

--------------------------------

Ghi chú:

(4) Vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức cấp xã được xác định phù hợp với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành.