Viết về tấm gương nhà giáo

     

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách và phát triển con người. Giáo dục giúp chúng ta rèn luyện ý chí, tôn trọng nhân phẩm, phát triển tài năng, góp phần vào sự tiến hóa chung của nhân loại. Và những người đóng góp công sức vào sự phát triển giáo dục không ai khác chính là những nhà giáo - những người giáo viên. Nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, bởi họ là những người ươm mầm, dìu dắt thế hệ trẻ của đất nước, đưa họ đến những bến bờ hạnh phúc của nhân loại. Vì vậy, không phải ai cũng có thể trở thành những người thầy, người cô- những người đặt hết tâm huyết cũng như tình yêu con người, trách nhiệm lớn lao đối với lớp trẻ, với xã hội.

Bạn đang xem: Viết về tấm gương nhà giáo

Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo Thủ đô ngày càng chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công cuộc “trồng người”. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp đã được học trò tin yêu, phụ huynh nể phục, xã hội trân trọng. Vâng, có một người như vậy, cô đã khiến tôi rất ngưỡng mộ bởi lòng nhiệt tình, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, có bản lĩnh tuyệt vời của một nhà giáo. Người mà tôi muốn nói đến trong bài viết này là cô giáo Đỗ Thi Xưởng - giáo viên trường Tiểu học Liên Hồng, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng-Hà Nội.

Cô giáo Đỗ Thị Xưởng - là một trong những tấm gương nhà giáo mẫu mực của trường Tiểu học Liên Hồng. Cô luôn được mọi người yêu quý. Phẩm chất, nhân cách và chuyên môn của cô đã được ghi nhận và xứng đáng để đồng nghiệp cũng như các thế hệ học trò noi theo. Cô sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Liên Hồng, nơi được xem là nền giáo dục chậm phát triển. Nhưng với cô, cô không hề lùi bước. Sau khi tốt nghiệp trường THSP Hà Nội, ra trường năm 1993, cô được phân công về công tác tại trường Tiểu học Liên Hồng và từ đó đến nay thấm thoắt đã 28 năm cô vẫn gắn bó với ngôi trường này. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của cuộc sống, trường cũ ngày nào giờ đã khang trang nhưng cô vẫn vậy: giản dị, mộc mạc và chân thành trong trang phục, lời ăn và tiếng nói. Vẫn gương mặt hiền hòa mà đôn hậu, giọng nói trang nghiêm mà ấm áp lòng người. Dưới bàn tay của cô biết bao thế hệ học sinh đã khôn lớn trường thành. Giờ họ cũng đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học hoặc trở thành những đồng nghiệp như cô. Còn cô vẫn như người lái đò thầm lặng năm xưa chở những chuyến đò qua sông. Đối với chúng tôi, cô vừa là đồng nghiệp, vừa như người chị cả dìu dắt chúng tôi từ những lúc mới chập chững bước vào nghề. Hằng ngày, bất kể trời nắng hay mưa cô luôn đến lớp đúng giờ và khi tan trường, trong khi mọi người ai ai cũng hối hả ra về thật nhanh, khi cả ngôi trường chìm vào vắng lặng tôi vẫn thấy cô miệt mài với trang giáo án và cặm cụi ngồi chấm, chữa bài cho học sinh. Với cô, công việc dường như là niềm đam mê không hề nhỏ. Hình ảnh cô tất bật với công việc hay cặm cụi ngồi chấm và chữa bài cho học sinh đã trở thành hình ảnh quen thuộc với mọi người. Đặc biệt trong những giờ ra chơi, khi chúng tôi còn mải mê với những câu chuyện đời thường thì cô lại say sưa với những bài toán khó. Có lẽ với cô, Toán học có sức hấp dẫn lôi cuốn lạ kỳ. Tôi nhớ có lần cô dạy chuyên đề bài Diện tích hình bình hành, cách đây cũng khá lâu rồi nhưng sao bài giảng ấy gây cho tôi những ấn tượng lạ và sâu sắc đến thế. Với lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm, cách đưa kiến thức tự nhiên làm cho những người vốn không ưa môn Toán như tôi cũng trở nên thích thú. Từ đó, tôi cảm thấy Toán học không còn là môn học khô khan nữa mà đó là môn học rất thú vị như mảnh đất mới cần được tìm tòi, khám phá. Cũng có những lần ngang qua lớp cô, tôi thấy cô đang say sưa giảng bài còn lũ trò nhỏ thì chăm chú lắng nghe mà không hề biết có tôi đang đứng ở ngoài. Có lẽ, trong những giây phút bình dị ấy, cô đang gieo vào lòng những đứa trẻ kia những đốm lửa của lòng say mê, truyền cho chúng cái tình yêu vô bờ bến. Khi trò chuyện với chúng tôi về môn Toán, cô nói một cách say sưa và nhiệt tình, trong ánh mắt cô lấp lánh những niềm vui. Cô thường nói với chúng tôi: “Dạy Toán phải gắn với thực tế vì Toán học giúp ích rất nhiều cho con người trong cuộc sống”. Câu nói của cô đã giúp tôi nhận ra rằng không chỉ có Toán học mà với tất cả các môn học khác nếu biết gắn việc học với thực hành sẽ giúp ta nhiều điều thú vị trong cuộc sống.

Với 28 năm tuổi nghề, thời gian đã khá dài và trong suốt chặng đường dài ấy cô luôn được Ban giám hiệu của trường tin tưởng giao cho nhiều công việc khó khăn, phức tạp. Nhiều năm liền cô được giao nhiệm vụ chủ nhiệm các lớp 1 rồi lớp 4, lớp 5. Dạy những lớp này kiến thức nhiều và khó mà tri thức của loài người thì luôn đổi mới đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để bắt nhịp với xu thế của xã hội. Với Công nghệ 4.0 như hiện nay, cô luôn trau dồi kiến thức và không ngừng học hỏi về chuyên môn. Ngoài các chuyên đề của trường, của phòng tổ chức, cô còn tự học và đọc thêm trên mạng Internet, trên sách vở và đồng nghiệp để đáp ứng với công việc. Cô luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo để chúng tôi noi theo. Đặc biệt với học sinh lớp 5, một số em đã có những bước phát triển về tâm, sinh lý, có biểu hiện yêu đương, sa sút trong học tập. Lúc ấy cô lại như người mẹ hiền, nhẹ nhàng mà tế nhị, cô gặp gỡ các em, trao đổi riêng với từng em, phân tích cho các em thấy những tác hại của việc suy nghĩ lệch lạc và hướng các em đến những suy nghĩ đúng đắn, tích cực. Nhờ phương pháp giải quyết tâm lí ấy mà cô đã giúp nhiều em học sinh vượt qua được những giai đoan khủng hoảng về tâm lí, biết vượt lên số phận để học tập tốt. Lớp cô luôn là một tập thể lớp có nhiều thành tích cao trong học tập và là một tập thể lớp tiên tiến. Các em học sinh lớp cô luôn biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong học tập. Chính những công việc thầm lặng mà cô đã làm với các em học sinh nên cô đã chiếm được lòng tin yêu, quý mến các em học sinh và các bậc phụ huynh. Sự nhiệt tình, tấm lòng đôn hậu và trong sáng của cô không chỉ làm những bậc phụ huynh xúc động mà còn khiến cả những người đồng nghiệp như chúng tôi cảm thấy rất tự hào.

*

Trong suốt quá trình công tác, cô luôn đi đầu trong các phong trào thi đua do ngành tổ chức. Cô đã nhiều lần tham gia thi Giáo viên giỏi cấp huyện, đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cơ sở, lao động tiên tiến các năm học: 1995-1996 và liên tục từ năm 1997-1998 đến năm 2006-2007, năm học 2008-2009 đến năm 2015-2016, năm 2019-2020. Có 3 năm SKKN của cô được xếp loại C cấp thành phố: Đó là năm học 2010-2011, năm học 2015-2016, năm học 2019-2020. Nhiều năm liền, cô đã giành được rất nhiều giấy khen của ngành.

Xem thêm: Xem Đồng Tiền Đầu Tiên Của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Đồng Tiền Đầu Tiên Của Người Việt Có Từ Bao Giờ

Đó là những phần thưởng rất xứng đáng với sự phấn đấu không ngừng nghỉ của cô.

Đặc biệt ngoài công tác giảng dạy cô còn tham gia rất nhiều công tác khác như Tổ trưởng tổ chuyên môn, thư kí HĐSP… Ở cương vị công tác nào, chị cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với vai trò là tổ trưởng tổ chuyên môn tổ 4,5 cô luôn chỉ đạo tốt công tác chuyên môn của tổ, luôn sát cánh cùng chị em trong các công việc hằng ngày. Trong tổ, có những đồng chí mới ra trường tay nghề còn non trẻ cô lại nhiệt tình bảo ban, dìu dắt giúp cho các em dần tiến bộ, vững tay nghề. Không những thế với những công việc được giao về tổ cô luôn nhận phần công việc khó khăn, nặng nề hơn về phía mình. Không chỉ hoàn thành tốt các công việc của tổ chuyên môn mà cô còn là một cán bộ công đoàn có năng lực và nhiệt huyết. Với vai trò tổ trưởng hay trưởng ban nữ công, cô luôn động viên các chị em hăng hái nhiệt tình tham gia vào các hoạt động phong trào, các đợt thi đua, thao giảng. Những khi gia đình các chị em gặp hoạn nạn, rủi ro hay ốm đau, tai nạn cô đều tổ chức anh chị em thăm hỏi động viên kịp thời.

Đồng thời với vai trò là một đảng viên, cô luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được quần chúng và nhân dân tín nhiệm.

Ở gia đình, cô là một nàng dâu thảo, người vợ hiền, người mẹ hết lòng yêu thương con, luôn cố gắng chăm sóc cho mái ấm bằng tình yêu thương vô bờ bến. Cô luôn sắp xếp công việc hợp lí để có thời gian chăm lo cho gia đình, giúp gia đình nhỏ của mình luôn bình yên hạnh phúc. Vì cô nghĩ đó là một nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của người phụ nữ, niềm an ủi cũng như tạo thêm sức mạnh giúp bản thân cô vươn lên mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc. Cô thật xứng đáng với danh hiệu nữ giáo viên hai giỏi: “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”.

Đặc biệt, trong những ngày tháng cả nước đang gồng mình để phòng chống dịch bệnh COVID-19, cô đã nêu cao tinh thần yêu nước, phòng chống dịch bệnh của một người giáo viên. Hằng tuần, cô đến trường làm tổng vệ sinh lớp học sạch sẽ, cô còn huy động được phụ huynh đến chung tay giúp sức, đảm bảo vệ sinh lớp học sạch sẽ, an toàn khi học sinh quay trở lại trường học. Hằng ngày, thông qua nhóm Zalo của lớp, cô thường xuyên nhắc nhở học sinh và phụ huynh cách phòng chống dịch bệnh cho con khi ở nhà, thực hiện tốt những quy định của Bộ Y tế, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND thành phố. Thực hiện phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Dừng đến trường nhưng không dừng học”, sau khi nhà trường triển khai dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom, cô là người đi đầu trong việc giảng dạy học sinh học trực tuyến. Mặc dù ở tuổi cô, việc sử dụng công nghệ thông tin là hạn chế, nhưng không vì tuổi tác mà ỷ lại sự say mê tìm tòi trong công việc. Dạy trực tuyến đối với cô và đối với học sinh vùng nông thôn cấp Tiểu học là hoàn toàn mới lạ. Cô đã tìm hiểu thêm trên mạng cách cài đặt, cách sử dụng sao cho hiệu quả. Cô luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi để đáp ứng yêu cầu công việc. Khó nhăn là thế nhưng với lòng say mê công việc, sự ham học hỏi, tìm tòi khám phá, cô quyết tâm làm bằng được. Cô gọi điện nhờ đồng nghiệp, nhờ con cháu hướng dẫn và cô đã thành công. Như trút được gánh nặng, cô phấn khởi thử nghiệm họp trực tuyến, dạy học thử nghiệm qua nhóm giáo viên trong khối để hiểu biết thêm cách sử dụng phần mềm khi giảng dạy. Khi đã thành thạo, cô triển khai tới phụ huynh trong lớp thông qua nhóm Zalo cách cài đặt phần mềm Zoom trên các thiết bị thông minh để cho các con được vào học. Không quản sớm tối, bất kì lúc nào mà phụ huynh gọi điện hỏi cách sử dụng phần mềm, cô đều hướng dẫn tận tình, chu đáo. Sau hai tháng nghỉ học ở nhà, buổi đầu tiên mở cuộc họp lớp, phụ huynh và học sinh phấn khởi gặp nhau trên phần mềm Zoom. Cô điểm danh học sinh, hỏi thăm các con xem thực hiện những quy định phòng chống dịch như thế nào, rồi thực hiện công tác vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ra sao. Được các con báo cáo làm tốt công việc phòng chống dịch ở nhà, giúp đỡ gia đình, sức khỏe ổn định, cô rất mừng.

*

Thế nhưng với một xã còn nhiều gia đình khó khăn, việc có thiết bị thông minh để vào học trực tuyến là điều mà cô trăn trở nhất. Làm thế nào để tất cả các con đều được vào học đầy đủ, để kiến thức của các con không bị mai một sau khi trở lại trường? Và cô nảy ra sáng kiến: “Sao mình không huy động phụ huynh hay người thân để hỗ trợ các con nhỉ?”. Nghĩ là làm luôn, cô thông báo tới những gia đình phụ huynh có điều kiện về thiết bị cho con học, sắp xếp các bạn ở gần nhà nhau đến học chung. Có bao nhiêu học sinh chưa có thiết bị để học tập, cô đã mượn các phụ huynh khác giúp, cô hướng dẫn để các con được vào học như bạn bè đồng trang lứa. Chính vì vậy, lớp cô luôn có đủ 100% học sinh vào học. Bằng việc làm thiết thực này, cô đã hoàn toàn chiếm lĩnh được lòng tin yêu, sự tín nhiệm của học sinh cũng như phụ huynh. Bên cạnh đó, cô thường xuyên cập nhật những thông tin mới về tình hình chống dịch và các văn bản chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch để cô không những là một giảng viên truyền dạy kiến thức mà còn đảm nhận công việc của một tuyên truyền viên. Những buổi học trực tuyến, cô lồng ghép việc giảng dạy kiến thức với việc tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về tình hình diễn biến dịch bệnh và thực hiện những quy định về phòng chống dịch. Cô mong muốn với sự góp sức của cả cộng đồng, sự nghiêm túc phòng chống dịch của mỗi người dân, vào một ngày không xa nữa, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, trả lại cuộc sống yên bình cho mọi nhà, để đàn em thơ ngây lại được cắp sách đến trường, để nhà nhà được tăng gia sản xuất.

Tôi thật may mắn khi được là đồng nghiệp của cô. Tôi đã học tập được nhiều từ cách làm việc chuyên nghiệp, cẩn thận và chu đáo của cô. Sau bao nhiêu năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và thời gian nghỉ ngơi cũng đang đến rất gần nhưng tôi vẫn có cảm giác tình yêu nghề và tình yêu học trò của cô vẫn chưa hề dừng lại. Nhìn lại một hành trình dài, thành tích của cô là niềm tự hào của nhà trường và của tất cả cán cộ, giáo viên, nhân viên trường chúng tôi. Thành tích mà cô đạt được hôm nay là niềm vinh hạnh và tự hào đối với bản thân cô và góp thêm thành tích đáng kể cho nhà trường. Cô thật xứng đáng là một tấm gương sáng, một nhà giáo mẫu mực cho thế hệ trẻ chúng tôi học tập và noi theo.