Mưa sao băng 2019

     

“Màn trình diễn” nổi tiếng của mưa sao băng Geminids sẽ đạt cực đại vào giữa tháng 12, với sự mong đợi của hàng nghìn người yêu thiên văn học trên toàn thế giới. Nếu bạn là một người chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quan sát mưa sao băng, hay bạn muốn tìm hiểu thêm về Geminids… Bạn muốn tận mắt ngắm nhìn những vệt sao băng rực rỡ xẹt ngang trên bầu trời? Vậy thì đừng bỏ qua những thông tin hữu ích dưới đây!

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ MƯA SAO BĂNG GEMINIDS

Lịch sử mưa sao băng Geminids – Từ quá khứ tới hiện tại

Mỗi năm vào tháng 12, hành tinh của chúng ta sẽ đi ngang qua quỹ đạo của một vật thể có tên gọi là 3200 Phaethon, một tiểu hành tinh có kích thước nhỏ chỉ khoảng 5 km. Geminids có nguồn gốc từ các mảnh vụn vương vãi trên đường đi của tiểu hành tinh này, xuất hiện khi nó va chạm với một thiên thể khác trong quá khứ.

Bạn đang xem: Mưa sao băng 2019

Theo các ghi chép, mưa sao băng Geminids được quan sát lần đầu tiên vào khoảng 200 năm trước, năm 1833, từ một con thuyền trên sông Mississipi. Nhưng tại thời điểm đó, người ta chỉ có thể nhìn thấy khoảng 10 – 20 sao băng mỗi giờ.

*
Mưa sao băng Geminids năm 2015. Ảnh: Antoni Cladera

Kể từ khi được phát hiện, số lượng sao băng đã ngày càng trở nên dày đặc hơn. Cho đến nay, chúng ta có thể quan sát được lên đến 120 vệt mỗi giờ. Nguyên nhân là do lực hấp dẫn của Sao Mộc kéo các mảnh vụn và bụi đến gần Trái Đất hơn trong nhiều thế kỷ qua, điều đó có nghĩa là hành tinh của chúng ta sẽ va vào nhiều mảnh vỡ hơn mỗi năm, tạo ra những màn trình diễn ngoạn mục.

Geminids 2019 sẽ bị ánh trăng ảnh hưởng mạnh

Cũng như các năm khác, mưa sao băng Geminids luôn là một điểm nhấn của năm, được cộng đồng yêu thiên văn trên toàn thế giới đón đợi. Geminids có số lượng sao băng lớn nhất trong năm. Vào một đêm quang đãng và đủ tối, ta có thể bắt gặp hơn 50 vệt sao băng mỗi giờ, thậm chí trong điều kiện lý tưởng, cực đại có thể lên đến 120 vệt.

Năm nay mưa sao băng Geminids sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng 12. Thời gian sao băng xuất hiện mạnh nhất là khoảng 2 giờ sáng ngày 14 – đó là lúc điểm phát của trận mưa sao băng này đang ở vị trí cao nhất trên bầu trời.

Tuy nhiên, bạn có thể quan sát ngay từ lúc 9 hoặc 10 giờ tối hôm trước cho đến khi bình minh, thậm chí là nhiều ngày trước và sau khi diễn ra cực đại. Lưu ý rằng không nên quan sát ngay khi trời vừa tối bởi lúc này số lượng sao băng có thể nhìn thấy còn rất ít.

Xem thêm: Uống Nước Nhiều Có Làm Trắng Da Không ? Uống Nước Đúng Cách Để Có Làn Da Trắng Hồng

*
Điểm phát của mưa sao băng Geminids nằm trong chòm sao Song Tử (Gemini), tuy nhiên bạn không cần thiết phải tìm được chòm sao này. Ảnh: Skyandtelescope

Đêm cực đại của Geminids năm nay rơi vào thời điểm Mặt Trăng đang ở gần pha tròn. Trăng sáng khiến số lượng sao băng có thể nhìn thấy giảm đi đáng kể, còn khoảng 20-30 vệt mỗi giờ. Tuy vậy, Geminids vốn nổi tiếng với các vệt sao băng dài và sáng cùng rất nhiều “quả cầu lửa” rực rỡ, cho nên bất chấp ánh trăng, bạn sẽ được ngắm nhìn màn trình diễn tuyệt vời này.

Giống như tên gọi của chúng, các sao băng của Geminids xuất phát từ phía chòm sao Song Tử (Gemini). Chòm sao này sẽ mọc ở hướng Đông từ chập tối, lên đến thiên đỉnh lúc 2 giờ sáng và sau đó xuống thấp dần ở hướng Tây. Ở Bắc bán cầu, để tìm kiếm Song Tử, hãy dựa vào “chàng thợ săn” Orion của chúng ta, nổi bật với ba ngôi sao thẳng hàng rất sáng ở “thắt lưng”: Song Tử sẽ nằm ở phía bên trái của Orion.

Làm thế nào để quan sát mưa sao băng Geminids 2019

Quan sát mưa sao băng Geminids có nhất thiết phải tìm thấy chòm sao Song Tử không?

Câu trả lời là không.

Sự thật là nếu bạn chỉ chăm chăm hướng về phía chòm sao Song Tử, bạn sẽ không thể nhìn thấy “cái đuôi” dài của các thiên thạch khi chúng xẹt ngang trên bầu trời và quá trình từ khi bốc cháy đến khi biến mất của chúng. Hãy đưa mắt ra xa, bao quát cả bầu trời để không bỏ lỡ bất kỳ vệt sao băng hay quả cầu lửa sáng rực nào nhé!

Muốn quan sát mưa sao băng thì phải có các thiết bị quan sát chuyên dụng như ống nhòm và kính viễn vọng?

Không. Đây là sai lầm thường gặp nhất khi quan sát mưa sao băng mà rất nhiều người mắc phải. Để quan sát mưa sao băng, chúng ta hoàn toàn chỉ dùng mắt thường, các thiết bị đó sẽ khiến cho tầm nhìn của bạn hạn chế hơn mà thôi.

*
Mưa sao băng Geminids. Ảnh: Thomas W. Earle

Ở đâu cũng có thể quan sát mưa sao băng, vậy tại sao ở thành phố mà cả tiếng đồng hồ chỉ thấy có một vệt?

Cần lưu ý rằng muốn quan sát mưa sao băng tốt thì điều kiện là bầu trời đủ tối, không có mây và không ô nhiễm ánh sáng. Ở các đô thị, thứ cản trở việc quan sát bầu trời không chỉ là ánh sáng từ Mặt Trăng mà còn là ánh sáng từ các tòa nhà, phương tiện, đèn đường… những thứ này gây nên tình trạng ô nhiễm ánh sáng, khiến cho việc quan sát bầu trời trở nên rất khó khăn.

Nếu có thời gian rảnh rỗi, hãy tìm cho mình một nơi thoáng đãng, bầu trời không mây và cách xa ánh đèn điện từ khu dân cư. Nhớ mặc thật ấm, mang theo áo hoặc chăn để không bị cảm lạnh, và để mắt quen với bóng tối khoảng 20 – 30 phút nữa nhé. Bây giờ bạn chỉ cần ngồi một chỗ, phóng tầm mắt ra xa, bao quát cả bầu trời, hoặc rủ thêm vài người bạn để quan sát từ các hướng khác nhau. Có thể nằm trên mặt đất để thoải mái hơn. Không sử dụng điện thoại nếu bạn không muốn bỏ lỡ bất kỳ vệt sao băng nào. Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát một số thiên thể nổi tiếng trên bầu trời mùa đông như tinh vân Orion, thiên hà Tiên Nữ, Lục giác mùa đông, cụm sao Thất Nữ,…