Mưa sao băng 2015 tại việt nam

     

TTO - Trận mưa sao băng đầu tiên trong năm mang tên Lyrids sẽ đạt cực đại vào đêm 22-4, rạng sáng 23-4. Người yêu thiên văn có thể quan sát trận mưa sao bằng này bằng mắt thường.

Bạn đang xem: Mưa sao băng 2015 tại việt nam


Theo dự đoán của Tổ chức Sao băng Quốc tế IMO, tần suất trong điều kiện lý tưởng có thể đạt 18 sao băng/giờ. Tuy vậy tần suất trận mưa sao này có thể thay đổi và có thể lên tới 90 vệt/giờ.

Mặc dù trận mưa sao băng này thuộc loại trung bình khá nhưng các chuyên gia cho rằng tần suất của nó có xu hướng gia tăng đột ngột nên đây vẫn là một trận mưa sao đáng chú ý nếu thời tiết cho phép và nơi quan sát tránh xa các thành phố.

Ảnh mô phòng chòm sao Lyra với ngôi sao sáng Vega, và cực điểm trận mưa sao băng Lyrids (hướng đông bắc sau nửa đêm). - Ảnh: Earthsky.org

Theo anh Đặng Tuấn Duy, CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM (HAAC), người xem có thể quan sát mưa sao băng bằng mắt thường. Để quan sát tốt mưa sao băng Lyrids tại Việt Nam, người xem nên hướng mắt về bầu trời phía đông bắc nơi có chòm sao Lyra (chòm sao Thiên Cầm, chòm sao có chứa tâm điểm quan sát của trận mưa sao này) sau nửa đêm khi chòm này với ngôi sao Chức Nữ (Vega) rất sáng đã lên cao so với chân trời.

Thời điểm diễn ra cực điểm mưa sao băng Lyrids năm nay cũng là lúc mặt trăng đã lặn sớm và hoàn toàn không ảnh hưởng tới các vệt sao của mưa sao băng Lyrids, người quan sát chỉ cần chờ khoảng sau nửa đêm và hướng về vùng trời đông bắc lân cận ngôi sao Vega rất sáng.

Mưa sao băng diễn ra khi trái đất đi ngang qua đám mây bụi khí (mảnh vụn đá bụi thiên thạch) do các sao chổi hay tiểu hành tinh để lại. Mưa sao băng Lyrids bắt nguồn từ sao chổi có chu kỳ xác định C/1861 G1 (Thatcher) đi qua trái đất mỗi 415 năm. Nó đã được quan sát từ khoảng hơn 2500 - 2700 năm trước (khoảng năm 687 trước công nguyên bởi các nhà thiên văn cổ Trung Quốc).

Một số lưu ý khi quan sát

- Do các sao băng di chuyển với vận tốc quá nhanh (vài chục km/giây) nên bạn chỉ cần dùng mắt thường, không cần quan sát qua kính thiên văn hay ống nhòm.

Xem thêm: Cách Đăng Ký 3G Viettel Sinh Viên, 25K Không Phải Ai Cũng Biết !!!

- Nên tránh xa ánh sáng thành phố, bởi ánh sáng đèn hay ánh sáng của trăng sẽ làm ảnh hưởng đến việc chiêm ngưỡng sao băng. Bạn có thể tới các vùng quê để quan sát, vì những nơi đó ít bị ô nhiễm ánh sáng.

- Chỉ khi trời quang mây, có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường, bạn mới có thể thấy rõ được sao băng.

- Cần kiên trì khi xem sao băng. Mưa sao băng không có nghĩa là “sao bay như mưa”, ở một trận mưa sao trung bình như Lyrids này thì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau từ một đến vài phút, đôi khi bầu trời sẽ “lặng thinh” một lúc rất lâu nhưng cũng có lúc sao xuất hiện liên tục.

- Nên nhìn bao quát cả vùng trời rộng phía đông bắc sau nửa đêm, đừng tập trung một chỗ. Bạn cũng không cần phải biết vị trí của chòm sao Lyra (Thiên cầm) mới quan sát được sao băng. Đừng hiểu nhầm tâm điểm ở chòm Lyra có nghĩa là sao băng chỉ bay từ đó ra, nó có thể xuất hiện ở những chòm sao khác thậm chí rất xa tâm điểm, nhưng nếu để ý ta sẽ thấy đường kéo dài hướng bay của sao băng có vẻ chụm lại ở gần chòm Lyra.

- Do từ sau 1g sáng trở đi vị trí chòm Lyra cùng “vùng trời sao băng” sẽ lên khá cao trên chân trời đông bắc, nên việc đứng hay ngồi quan sát sẽ làm cổ bạn rất mỏi, nên tìm một nơi để nằm… sẽ thoải mái hơn rất nhiều và giúp bạn nhìn được một vùng trời rộng hơn.

- Bạn sẽ thấy được nhiều sao băng hơn sau nửa đêm. Ngoài ra, nên tránh nhìn ánh sáng trực tiếp 20 phút trước khi quan sát để mắt có thời gian thích ứng với bóng tối.

- Chú ý giữ ấm và tránh sương khi quan sát sao băng. Việc quan sát sẽ thú vị hơn nếu bạn chuẩn bị thức ăn và thức uống nóng tại chỗ.