Khái niệm xã hội hóa giáo dục

     

Giáo dục được xem là một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội và nó chịu sự chi phối của trình độ phát triển của xã hội đó. Giáo dục và đời sống xã hội có mối liên hệ chặt chẽ, không tách rời nhau. Vì vậy, công tác xã hội hoá giáo dục đã và đang là một nội dung được toàn xã hội quan tâm. Để hiểu rõ về nội dung xã hội hoá giáo dục là gì, hãy cùng Luận Văn 2S đọc bài viết sau nhé.

Bạn đang xem: Khái niệm xã hội hóa giáo dục

Xã hội hoá giáo dục là gì?

Khái niệm xã hội hoá

Xã hội hoá: Tiếng Anh: Socialization, là quá trình tăng tính xã hội vào trong các lĩnh vực, huy động sự tham gia toàn thể tổ chức, cá nhân vào các hoạt động xã hội, thực hiện các nhiệm vụ mà nhà nước không nhất thiết phải làm nhằm góp phần duy trì và tái sản xuất xã hội.

Khái niệm xã hội hoá giáo dục là gì?

Xã hội hoá giáo dục ở Việt Nam đã được luật hoá tại Điều 12 của Luật Giáo Dục (Quốc hội, 2005): Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và toàn dân, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đa dạng hoá các loại hình trường và các hình thức giáo dục, khuyến khích mọi người tham gia vào sự nghiệp giáo dục, mọi tổ chức, gia đình và công dân cần có trách nhiệm phối hợp với nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.

Theo Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương khoá VIII (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1993): “Xã hội hoá giáo dục là huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên mọi tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước”.

Trong cuốn sách “Quản lý giáo dục” (Bùi Minh Hiền, Vũ Ngọc Hải, Đặng Quốc Bảo, 2011) nhận định rằng: Xã hội hoá giáo dục là sự nghiệp của toàn đảng và toàn dân ta, chăm lo cho phát triển giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả mọi công dân Việt Nam có thể học. Xã hội hoá giáo dục “là việc huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp phần vào công cuộc xây dựng nền giáo dục dưới sự quản lý, giám sát của Nhà nước”.

Như vậy xã hội hoá giáo dục là việc vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nhằm mục tiêu phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lý của nhà nước từ đó phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao mức hưởng thụ giáo dục của toàn thể nhân dân. Xã hội hoá giáo dục là xây dựng một cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế và chính trị xã hội trong việc việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh từ đó tạo thuận lợi cho các hoạt động giáo dục; đa dạng hoá các hình thức hoạt động GD & ĐT, mở rộng các cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tham gia một cách chủ động và bình đẳng vào các hoạt động giáo dục; mở rộng nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nguồn nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội; phát huy các nguồn lực hiệu quả để tạo điều kiện cho các hoạt động GD & ĐT phát triển nhanh có chất lượng cao hơn.

*
Khái niệm xã hội hoá giáo dục là gì?

→ 150 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Giáo Dục Mới Nhất 2022

Nội dung của chính sách xã hội hoá giáo dục

Thứ nhất, cộng đồng hoá trách nhiệm. Việc chăm lo cho giáo dục đào tạo không chỉ là việc của riêng Nhà nước mà là công việc của toàn xã hội. Việc cộng đồng hoá trách nhiệm là đóng góp về những dự thảo văn bản pháp quy sẽ được ban hành, những đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội hoá, cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, tham gia giám sát, phản biện những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chính sách xã hội hoá giáo dục

Thứ hai, đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo cho mọi người có điều kiện học tập nâng cao trình độ. Xã hội hoá giáo dục dưới góc độ đa dạng hóa là loại hình chủ yếu là mở rộng trường công lập, tư thục ở mọi cấp học, được phép tổ chức các cơ sở đào tạo theo phương thức không tập trung, lập các quỹ học bổng,…

Thứ ba, đa phương hoá các nguồn lực. Ngoài việc huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân còn ban hành cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích và quy định trách nhiệm của các ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế- xã hội và người sử dụng lao động tham gia xây dựng trường lớp, hỗ trợ kinh phí cho người học, thu hút nhân lực được đào tạo và giám sát hoạt động giáo dục.

Vai trò và ý nghĩa của hoạt động xã hội hoá giáo dục là gì?

Thực hiện xã hội hoá giáo dục là một trong những vấn đề cấp thiết, có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn vì xã hội hoá giáo dục sẽ góp phần tạo ra một xã hội học tập, phát huy truyền thống dân tộc và phù hợp với xu hướng của thời đại học tập thường xuyên, học tập suốt đời, giáo dục cho mọi người, nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực.

Xã hội hoá giáo dục là một con đường để thực hiện dân chủ hoá giáo dục và công bằng xã hội trong giáo dục. Đây là một mục tiêu phấn đấu của nền giáo dục hiện đại của nước ta. Con đường đó là việc huy động, động viên sự tham gia của đông đảo lực lượng xã hội làm giáo dục, tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh giáo dục.

Xã hội hoá giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát huy hiệu quả tính xã hội của giáo dục.Qua đó các cộng đồng xã hội tham gia vào việc cụ thể hoá mục tiêu giáo dục cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu của địa phương, của từng địa bàn dân cư. Các lực lượng xã hội có thể tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục, cải tiến nội dung và phương pháp giáo dục.

Xã hội hoá giáo dục góp phần làm cho giáo dục phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Sự tham gia của toàn xã hội vào giáo dục sẽ làm cho công tác giáo dục gắn với địa phương, nhà trường gắn với xã hội, giáo dục gắn với cộng đồng, bằng sức mạnh của cộng đồng và vì mục tiêu của cộng đồng.

Xã hội hoá giáo dục có ý nghĩa khoa học là góp phần hình thành các định hướng chiến lược về mặt xã hội, phục vụ công tác nghiên cứu xã hội học giáo dục, thúc đẩy giáo dục đi vào chiều sâu của cuộc sống.

Xem thêm: Làm Đẹp Với Dưa Hấu - Phương Pháp Làm Da Trắng Bất Ngờ Từ Dưa Hấu

Các nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội hoá giáo dục là gì?

Thứ nhất, huy động xã hội tham gia xây dựng môi trường thuận lợi cho giáo dục

Con người sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.Ở mỗi môi trường đều diễn ra quá trình giáo dục, giáo dưỡng con người nên cần đảm bảo cho các môi trường này được lành mạnh, tích cực và có tính thống nhất trong việc tác động đến hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, cụ thể:

Nhà trường: Cây xây dựng môi trường nhà trường từ cảnh quan, cơ sở hạ tầng đến nề nếp kỷ cương, quan hệ trong sáng,… tức là tạo môi trường thuận lợi để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Nhà trường cũng cần giữ vai trò chủ động trong việc cùng gia đình và xã hội tạo ra môi trường trên.

Gia đình: Cần chăm lo xây dựng môi trường gia đình của học sinh, cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội cần có trách nhiệm giúp đỡ các gia đình các điều kiện tối thiểu cho việc giáo dục con em mình.

Xã hội: Cần huy động lực lượng của toàn xã hội, từ tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cho đến cá nhân tham gia vào việc tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh.

Thứ hai, huy động xã hội tham gia vào quá trình giáo dục

Các lực lượng xã hội có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình giáo dục, có thể tham gia vào việc xây dựng kế hoạch giáo dục của cả nước và từng địa phương, góp ý kiến vào nội dung và phương pháp giáo dục, quản lý,… Vận động xã hội hoá công tác giáo dục là nội dung khó thực hiện nhất trong cuộc vận động này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục và tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.

Thứ ba, huy động các lực lượng tham gia vào quá trình đa dạng hoá các hình thức học tập và phát triển quy mô giáo dục.

Các lực lượng xã hội và cá nhân có thể trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục bằng việc tổ chức cơ sở giáo dục thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức và cá nhân. Các cơ sở này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển giáo dục, giảm gánh nặng đầu tư của nhà nước và tạo điều kiện cho giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Thứ tư, huy động xã hội đầu tư các nguồn lực cho giáo dục

Các lực lượng xã hội có thể đóng góp nhân lực, vật lực cho xây dựng trường, lớp, tăng cường trang thiết bị cho nhà trường, giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo và các con em thuộc gia đình chính sách, gia đình khó khăn,…Huy động các nguồn lực cho xã hội không chỉ là huy động tiền của mà còn các nguồn lực khác. Khi các nội dung toàn diện của xã hội hoá sự nghiệp giáo dục được thực hiện tốt là điều kiện tiên quyết để dễ dàng tạo động lực cho sự đóng góp của nhân dân, của xã hội về tài lực.

Thứ năm, thể chế hoá sự quản lý của nhà nước đối với xã hội hoá giáo dục

Cơ chế là sự vận hành các mối quan hệ giữa các thành tố, bộ phận trong một cấu trúc nhằm đạt hiệu quả của hoạt động, bao gồm nhà trường,gia đình và xã hội.

Nhà trường: là lực lượng giữ vai trò trung tâm, nòng cốt, chủ động trong việc huy động cộng đồng làm giáo dục, là trung tâm trong các hình thức cộng tác, phối hợp.

Gia đình: Là thiết chế cơ bản của xã hội thực hiện chức năng giáo dục, là đối tượng không thể thiếu khi tiến hành xã hội hoá giáo dục.

Xã hội: Cơ chế Xã hội hoá giáo dục cũng nằm trong cơ chế phổ biến của xã hội ta là Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nguyên tắc này cũng chỉ ra vai trò quyết định của Đảng bộ và chính quyền địa phương trong công tác xã hội hoá.

Xã hội hoá giáo dục là một nội dung quan trọng đối với sự phát triển của một đất nước. Để thực hiện được xã hội hoá giáo dục cần sự tham gia, đóng góp của nhiều thành phần, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Công tác này được thực hiện hiệu quả và thành công sẽ mang lại cơ sở phát triển bền vững cho đất nước. Trên đây là các nội dung kiến thức xoay quanh khái niệm xã hội hoá giáo dục là gì. Luận Văn 2S hy vọng những chia sẻ này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích dành cho bạn đọc. Đừng quên liên hệ với dịch vụ viết luận văn thạc sĩ thuê của chúng tôi nếu như bạn gặp phải khó khăn với đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục về chủ đề này nhé!