Cục đang kiểm việt nam

     

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với chất lượng an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, trước hết là các loại tàu, thuyền, phương tiện, thiết bị sử dụng nồi hơi, bình chịu áp lực, thiết bị nâng, ngày 25 tháng 4 năm 1964, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 345-TL thành lập Ty Đăng kiểm trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đây là dấu ấn lịch sử, là dấu mốc thời gian quan trọng tạo dựng nên Ngành Đăng kiểm của nước nhà.

Bạn đang xem: Cục đang kiểm việt nam


*

Tàu biển vỏ thép đầu tiên 20-7 trọng tải 1.000 tấn do ĐKVN giám sát kỹ thuật đóng mới năm 1965

1. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

55 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành hữu quan, sự phối hợp hỗ trợ của các đối tác trong nước và quốc tế, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo các địa phương và nhân dân cả nước, với rất nhiều công sức và nỗ lực trí tuệ, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đi qua một chặng đường phát triển riêng của mình, tới hôm nay đã có hơn nửa thế kỷ phát triển rất đáng tự hào.

1.1 Thời kì 1964 - 1975: Những tháng năm khởi đầu và phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước

Triển khai Quyết định số 345-TL ngày 25 tháng 4 năm 1964 của Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 01 tháng 7 năm 1964 Ty Đăng kiểm chính thức đi vào hoạt động, trụ sở đóng tại 12 Điện Biên Phủ, Hải Phòng, với một tập thể gồm 23 người trong đó 17 người là cán bộ kỹ thuật, chia thành 4 phòng chức năng, đó là: Phòng Tiêu chuẩn, Phòng Kiểm nghiệm, Phòng Nồi hơi, và Phòng Nhân chính.

Điều mà tất cả các thế hệ cán bộ Đăng kiểm không thể nào quên và lấy làm tự hào đó là Ty Đăng kiểm ra đời đúng vào thời điểm bắt đầu của cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân cả nước chống Đế quốc Mỹ xâm lược, đây cũng là những năm tháng hào hung, oanh liệt nhất của cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn đầy khó khan, thử thách, hoạt động Đăng kiểm không những không bị đình trệ, gián đoạn mà luôn luôn có được những bước mở rộng, trưởng thành. Lực lượng cán bộ được bổ sung tăng cường từ 23 người năm 1964 lên 42 người năm 1966, 86 người năm 1970 và 93 người vào năm 1974, trong đó có tới 79 người là cán bộ chuyên môn, kỹ thuật.

Cho dù nguồn nhân lực khi đó còn rất mỏng, chiến tranh lại diễn ra ngày càng ác liệt nhưng nhiệm vụ quản lý an toàn kỹ thuật các phương tiện vận tải đường thuỷ, đường sắt được triển khai trên hầu khắp các địa bàn của miền Bắc. Từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh mở rộng ra tới các vùng Tây Bắc, Việt Bắc và khu IV cũ, với các chi nhánh hoạt động tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và thị xã Vinh.

Ngay từ buổi chập chững ban đầu lại ở vào hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của chiến tranh, cán bộ của Ty Đăng kiểm vẫn ý thức và dành nhiều công sức tạo dựng nội dung, nề nếp hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy củ. Các cơ sở pháp lý, đặc biệt là hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, được quan tâm biên soạn và đưa vào áp dụng như Tiêu chuẩn thử kín nước vỏ tàu, Tiêu chuẩn xích neo, Quy trình kiểm tra kỹ thuật tàu và sà lan, tiêu biểu nhất là Quy trình 346. Đặc biệt năm 1970-1971 bộ Quy phạm Đóng tàu biển và tàu sông đầu tiên của Việt Nam ra đời trên cơ sở tham khảo Quy phạm tàu sông của Trung Quốc, Quy phạm Phân cấp và đóng tàu biển của Ba Lan và của Liên Xô cũ.

Trong thời gian chiến tranh ác liệt, cán bộ Đăng kiểm không quản hy sinh, gian khổ, luôn luôn bám sát hiện trường, cùng với toàn ngành Giao thông vận tải đảm bảo giao thông phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng miền Bắc và chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Gần 12.000 phương tiện vận tải thuỷ đã được kiểm tra kỹ thuật vào những năm tháng đó, trong đó có chiếc tàu biển trọng tải 1.000 tấn đầu tiên lắp máy hơi nước mang tên 20 tháng 7, cùng hàng loạt các tàu kéo 225 mã lực được đóng ở Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng và Xưởng đóng tàu III; Kiểm tra, nghiệm thu việc lắp ráp sà lan do Rumani và Triều Tiên chi viện để kịp thời đưa vào khai thác vận chuyển xăng dầu phục vụ chiến đấu.

Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề, bom đạn ác liệt, nhưng những cán bộ Đăng kiểm đã dày công nghiên cứu, đóng góp công sức vào những công trình mang tính ứng dụng khoa học công nghệ như thiết kế, sản xuất các phương tiện thuỷ bằng xi măng lưới thép, các ụ tàu và cần cẩu nổi, đặc biệt là việc chế tạo các ca nô phá thuỷ lôi điều khiển từ xa, ...

Những thành tích nói trên đã làm nên những trang sử truyền thống đánh dấu một chặng đường đầy gian lao thử thách, rất đỗi tự hào, vẻ vang của Ngành Đăng kiểm.

*

Cục trưởng Đinh Văn Khai ký thỏa thuận với Đăng kiểm Lloyd năm 1984

1.2 Thời kì 1975 - 1979: Đất nước thống nhất, tăng cường lực lượng và ra đời Cục Đăng kiểm Việt Nam

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một dải. Ty Đăng kiểm được Bộ Giao thông giao nhiệm vụ khẩn trương tổ chức mạng lưới đăng kiểm trong cả nước. Trong cuộc trở về Nam ngày ấy, có những cán bộ Đăng kiểm vốn là con em miền Nam được đào tạo, lớn lên và trưởng thành trên đất Bắc kịp thời được điều động trở lại quê hương với sứ mạng tiếp quản công tác Đăng kiểm của chính quyền cũ, thành lập Ty Đăng kiểm miền Nam Việt Nam. Sau hơn một năm hoạt động, Tổ chức này được sáp nhập chung vào Ty Đăng kiểm, kể từ đó hoạt động Đăng kiểm được chỉ đạo, được triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước.

Vào thời điểm này, Ty Đăng kiểm đã có tổng số cán bộ nhân viên tới hơn 150 người, hoạt động trong 5 phòng chuyên môn kỹ thuật và 8 chi nhánh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Các hoạt động xây dựng thể chế, biên soạn quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật được đẩy mạnh. Các nhiệm vụ thẩm định thiết kế, kiểm tra kỹ thuật đóng mới và sửa chữa cũng như việc theo dõi thống kê tình trạng kỹ thuật, khả năng hoạt động của các phương tiện thuỷ được tăng cường, mở rộng.

Các tàu biển của Việt Nam bấy giờ không chỉ đi lại trong nội hải, nội thuỷ của mình, cũng không chỉ ra vào hải phận của các nước láng giềng gần gũi, mà càng ngày các tàu biển treo cờ đỏ sao vàng càng đi xa hơn với những hải trình không giới hạn, và ngược lại tàu, thuyền của các nước cũng ra vào các thương cảng của Việt Nam ngày một nhiều hơn. Nhiệm vụ Đăng kiểm do vậy đã đứng trước những yêu cầu thực tiễn về phát triển cả khối lượng công việc và cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngay trong buổi đầu xây dựng lại đất nước bừa bộn khó khăn sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, Đăng kiểm Việt Nam đã phải đáp ứng những nhiệm vụ không chỉ giới hạn trong hoạt động nội bộ của nền kinh tế xã hội, mà còn phải đáp ứng những đòi hỏi của giao lưu hợp tác quốc tế.

Để có thể thực thi được nhiệm vụ của mình, Đăng kiểm Việt Nam cần phải được tăng cường cả về lực lượng, cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp và đặc biệt là về cơ sở và vị trí pháp lý. Chính vì vậy ngày 19 tháng 7 năm 1979, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ Tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 267/CP chuyển Ty Đăng kiểm thành Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong Quyết định này ghi rõ:

"Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký và kiểm tra kỹ thuật an toàn, đo dung tích tàu và xác định phân cấp tàu thuỷ; Đăng ký và kiểm tra kỹ thuật an toàn nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải."

Tiếp theo, ngày 11 tháng 01 năm 1980, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 84-QĐ/TC ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây là những quyết định lịch sử để Đăng kiểm Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới với tầm vóc mới, với trách nhiệm và nghĩa vụ lớn hơn; được Nhà nước trao cho vai trò và địa vị pháp lý cao hơn, ngang tầm với chức năng và trọng trách của mình.

1.3 Thời kỳ 1980 - 1989: Tiếp cận hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

Hoạt động đăng kiểm là một lĩnh vực mang tính hợp tác, hội nhập rất cao và trên thực tế đã hình thành các hệ thống các tổ chức đăng kiểm quốc tế. Đứng trước xu thế phát triển và đòi hỏi khách quan đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.

Trước tiên, ngày 10 tháng 6 năm 1981, nước CHXHCN Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Liên Chính phủ giữa các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) về hoạt động Đăng kiểm. Kể từ đó Cục Đăng kiểm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đăng kiểm các nước Xã hội chủ nghĩa (OTNK), hiệp hội này qua bao thăng trầm vẫn tồn tại cho đến ngày nay và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhờ có sự hợp tác này, hệ thống quy phạm phân cấp và đóng tàu biển, quy phạm mạn khô, quy phạm thiết bị nâng, quy phạm về trang bị tàu biển theo luật quốc tế và quốc gia, quy phạm phân cấp tàu sông cùng các quy phạm liên quan khác đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn dựa trên hệ thống các quy phạm cùng tên của khối SEV, và đã được Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước lần lượt ban hành vào các năm 1983, 1984 và 1985. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một hệ thống văn bản pháp lý kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, không chỉ để dùng cho công tác thiết kế, đóng mới, sửa chữa, giám sát kỹ thuật, phục vụ việc vận hành, khai thác các phương tiện thuỷ mà còn là những tài liệu có giá trị dùng trong công tác giảng dạy của các trường đại học, trung học và dạy nghề liên quan của nước ta.

Dấu mốc quan trọng tiếp theo là việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Với sự chủ động đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam, được sự phối kết hợp của các cơ quan hữu quan, Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Ngày 12 tháng 6 năm 1984, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 126 của Tổ chức này. Trong nhiều năm sau đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam được giao nhiệm vụ đảm nhận vai trò thường trực Văn phòng IMO Việt Nam. Với sự đóng góp và hoạt động tích cực của Văn phòng IMO Việt Nam vào thời gian đó, ngày 18 tháng 3 năm 1991, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã tuyên bố gia nhập 6 công ước quốc tế của IMO đó là: Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển năm 1966; Công ước quốc tế về đo dung tích tàu biển năm 1969; Công ước về quy tắc quốc tế phòng ngừa va chạm trên biển năm 1972; Phụ lục I và II của Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra năm 1973 được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định thư năm 1978; Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974; và Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, chứng nhận và trực ca đối với người đi biển năm 1978.

Bằng việc gia nhập các công ước nói trên mọi hoạt động trên lĩnh vực hàng hải của Việt Nam, trong đó có hoạt động Đăng kiểm, đã tiếp cận và dần dần hội nhập, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.

Việc Việt Nam chính thức tham gia các công ước quốc tế về hàng hải cũng đã mở ra một không gian hợp tác quốc tế rộng lớn hơn cho Cục Đăng kiểm Việt Nam. Các đối tác không chỉ giới hạn là thành viên của Hiệp hội Đăng kiểm các nước XHCN mà mở rộng ra với nhiều tổ chức đăng kiểm thế giới. Điều đáng nói là sự hợp tác đó đã đạt tới chiều sâu và tầm cao mới, nói lên sự tiến bộ và trưởng thành của Cục Đăng kiểm Việt Nam, được đánh dấu và khẳng định thông qua các văn bản ký kết thoả thuận về thay thế lẫn nhau giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với các tổ chức đăng kiểm quốc tế.

Để có thể thay thế lẫn nhau với các tổ chức đăng kiểm quốc tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam lúc bấy giờ, trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn do bị bao vây, cấm vận, đã đạt được những điều kiện cơ bản sau đây:

Những cơ sở pháp lý, thể chế đảm bảo tính hiệu lực cần có và tương thích với hệ thống công ước quốc tế.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình giữa các bên phải phù hợp, đồng nhất hoặc tương đương với nhau.

Cơ sở vật chất kỹ thuật cần được trang bị thoả mãn những công việc đặt ra.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lề lối và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ đăng kiểm phải tiếp cận và theo kịp trình độ chung của các tổ chức đăng kiểm quốc tế.

Đó cũng chính là những nội dung, những yếu tố cơ bản để Cục Đăng kiểm Việt Nam nâng cao được năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đi vào chính quy, hiện đại.

*

VR Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất​ năm 2004

1.4 Thời kỳ 1990 - 2019: Sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và mở cửa, nền kinh tế quốc dân khởi sắc và không ngừng tăng trưởng, giao thông vận tải, công nghiệp đầu khí biển phát triển mạnh mẽ. Do đó, yêu cầu về hiệu quả, và đặc biệt là an toàn và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp dầu khí biển ngày càng được nâng cao hơn bao giờ hết. Hoạt động Đăng kiểm, vì vậy, đã được đặt ra với những đòi hỏi to lớn và sâu rộng hơn nhiều so với những thời kỳ trước đó. Năm 1990, Bộ luật Hàng Việt Nam đầu tiên ra đời đã giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm đối với đội tàu biển Việt Nam.

Năm 1992, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam một nhiệm vụ rất quan trọng là kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các công trình thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển. Cho đến nay 270 giàn khoan dầu khi, kho chứa nổi, hệ thống đường ống dẫn dầu, khí, phao neo đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và chứng nhận hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc đảm bao an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Năm 1995, Chính phủ ban hành đồng thời ba nghị định: Nghị định số 36/CP, 39/CP và 40/CP về việc lập lại trật tự và an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong đó đã đặt an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông vận tải là một trong những tiền đề và điều kiện quan trọng vào bậc nhất để đảm bảo an toàn giao thông vận tải. Căn cứ vào các nghị định nêu trên của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thực hiện việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện tham gia giao thông. Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1995, hơn 75 trạm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên cả nước đã đi vào hoạt động. Đây thực sự là cuộc ra quân đầy khí thế nhằm thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Và cũng chưa bao giờ như những năm tháng đó, nhân dân cả nước đã biết đến, đã quan tâm, động viên khích lệ các lực lượng của ngành khi thi hành nhiệm vụ, đồng thời cũng có sự theo dõi giám sát cần thiết để Đăng kiểm làm tròn phận sự được giao.

Tiến thêm một bước, ngày 8 tháng 12 năm 1995, tại Nghị định 86/CP, Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hoá là các phương tiện, thiết bị vận tải. Trong Thông tư liên Bộ hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giao thông vận tải đã xác định rõ Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về chất lượng hàng hoá đối với các phương tiện, thiết bị vận tải.

Xem thêm: Nên Học Trường Dân Lập Nào, Top 11 Trường Cấp 3 Dân Lập Tốt Nhất Hà Nội

Tiếp theo, tháng 6 năm 2003, Bộ Giao thông vận tải giao tiếp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức công tác đăng kiểm phương tiện vận tải đường sắt. Từ đó đến nay, toàn bộ đầu máy, toa xe của ngành đường sắt đều do Cục Đăng kiểm Việt Nam đảm nhận. Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang bắt tay triển khai thực hiện một công việc rất mới mẻ, đó là đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc.

Như vậy, từ năm 1964 đến năm 2003 Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục ĐKVN toàn bộ nhiệm vụ đăng kiểm, quản lý kỹ thuật toàn bộ các phương tiện, thiết bị vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải và các công trình dầu khí biển trên cả nước.

Trong giai đoạn từ năm 2004 - 2017, Quốc hội đã thông qua nhiều bộ luật và luật rất quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải, dầu khí biển, chất lượng sản phẩm hàng hóa, quy chuẩn, tiêu chuẩn như: Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004; Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Luật Đường sắt năm 2017,… Trong các bộ luật và luật này đều có quy định về công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, dầu khí biển. Thực hiện các quy định của pháp luật, Bộ GTVT đã giao cho Cục ĐKVN thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức hệ thống để thực hiện công tác đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, phương tiện, thiết bị dầu khí biển và phương tiện, thiết bị chuyên ngành gia thông vận tải (nồi hơi, bình chịp áp lực, thiết bị xếp dỡ, container, …).

Trong lĩnh vực hàng hải, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác kiểm tra và chứng nhận an toàn tàu biển từ đầu những năm 1970, từ năm 1995 Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai công tác đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn cho các công ty vận tải biển và tàu biển hoạt động tuyến quốc tế phù hợp với Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (ISM) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); tiếp theo, năm 2004, Cục triển khai công tác đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý an ninh cho các tàu biển hoạt động tuyến quốc tế theo quy định của Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (ISPS) của IMO; từ tháng 8 năm 2013, Cục đã tổ chức việc kiểm tra và chứng nhận lao động hàng hải cho các tàu biển hoạt động tuyến quốc tế tuân thủ Công ước Lao động hàng hải (MLC) của Tổ chức Lao động quốc tế ILO. Đến nay, các công ty vận tải biển quản lý tàu hoạt động tuyến quốc tế và các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế đều xây dựng và triển khai thực hiện các quy định về quản lý an toàn, an ninh và lao động hàng hải theo đúng các yêu cầu quốc tế. Các công ty và tàu liên quan đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận tuân thủ quy định của các điều ước quốc tế liên quan. Việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của quốc tế về an toàn, an ninh và lao động hàng hải đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng hoạt động an toàn, an ninh cho đội tàu biển Việt Nam; thiết lập và duy trì điều kiện sống và làm việc an toàn, văn minh, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho mỗi thuyền viên làm việc trên biển. Trong năm 2010, Cục ĐKVN là một trong 6 thành viên sáng lập của Hiệp hội Đăng kiểm tàu thủy châu Á (ACS) và có nhiều đóng góp quan trong cho sự phát triển của Hiệp hội này từ khi thành lập đến nay. Thực hiện vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển, tàu năm 2015 đến 2018, Cục ĐKVN đã hoàn thành việc ký thỏa thuận để ủy quyền cho 10 tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm tàu quốc tế (IACS) để thực hiện việc đăng kiểm tàu Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quốc tế ngày càng được mở rộng của đội tàu biển Việt Nam.

Cuối năm 2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tin tưởng giao nhiệm vụ thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Cục đã nỗ lực tập trung việc xây dựng mạng lưới, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, … để thực hiện công tác này một cách khoa học, bài bản, không gây ách tắc cho sản xuất. Chỉ trong năm 2018, thông qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong cả nước, Quỹ bảo trì đường bộ đã thu được 8 nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn nhân lực của Cục Đăng kiểm Việt Nam không hề tăng thêm. Đây là một thành công rất lớn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và đã nhận được sự đánh giá rất cao của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và toàn xã hội.

Có thể khẳng định, gần 30 năm qua (1990 - 2019), cùng với sự đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Ngành Giao thông vận tải, Công nghiệp dầu khí biển Việt Nam và công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

*

VR Đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2009

2. CÁC THÀNH TỰU NỔI BẬT

2.1 Xây dựng lực lượng, đi vào chính quy hiện đại

Như đã báo cáo, ngày này 55 năm trước Đăng kiểm Việt Nam chỉ vẻn vẹn có 23 người; hôm nay con số đó là 1.300 cán bộ, công chức, viên chức, lao động với trên 90% có trình độ từ đại học trở lên. Tất cả các đăng kiểm viên đều đã được đào tạo, sát hạch, công nhận và được cấp chứng chỉ phù hợp với tiêu chuẩn nghề nghiệp, nhiều người có trình độ tương đương với các đăng kiểm viên quốc tế lành nghề.

Từ chỗ ban đầu chỉ có 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, thì giờ đây hệ thống tổ chức Cục Đăng kiểm Việt Nam bao gồm: 19 phòng, trung tâm có chức năng tham mưu giúp việc Cục trưởng và 37 chi cục, trung tâm đăng kiểm trực thuộc phân bố trên phạm vi cả nước, từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau. Bên cạnh đó, Cục còn làm công tác chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ cho 168 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và 35 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trực thuộc các địa phương và xã hội hóa.

Về phương diện thể chế, ngoài hệ thống pháp luật và công ước quốc tế liên quan, hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt nam được tiến hành dựa trên một hệ thống văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cùng với một hệ thống trên 120 quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá và chứng nhận đối với tàu biển, tàu sông, ô tô, xe máy, tàu hỏa, thiết bị công trình, nồi hơi, bình chịu áp lực, thiết bị nâng, container dùng trong giao thông vận tải và các công trình thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí biển; và hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường giao thông vận tải, quản lý an toàn hàng hải, quản lý an ninh hàng hải, và quản lý lao động hàng hải. Toàn bộ hệ thống quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn nghiệp vụ được Cục Đăng kiểm Việt Nam sử dụng tương đương với các hệ thống của Hiệp hội Đăng kiểm OTHK, Hiệp hội Đăng kiểm Quốc tế (IACS), Hiệp hội Đăng kiểm châu Á (ACS), Hiệp hội Đăng kiểm ô tô quốc tế (CITA), của các nước liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tháng 4 năm 2000, Hệ thống quản lý chất lượng của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế BVQI đánh giá và cấp chứng chỉ ISO 9001. Đây là một trong những cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên của cả nước được cấp chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng. Đó là thước đo nói lên trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nề nếp, phong cách làm việc hiện đại và cách thức tổ chức điều hành công việc tiên tiến của toàn Ngành Đăng kiểm.

Công nghệ thông tin là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục Đăng kiểm Việt Nam để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ và quản lý chuyên ngành, các phần mềm kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi vào công việc thẩm định hồ sơ, xét duyệt thiết kế, kiểm soát quá trình thực hiện công tác đăng kiểm tại hiện trường. Tình trạng chất lượng và an toàn kỹ thuật của các phương tiện qua kiểm tra, kiểm định được cập nhật, lưu trữ đầy đủ từ mọi nơi trên cả nước kết nối về cơ sở dữ liệu ở Trung tâm số 18 Phạm Hùng, Hà Nội. Đặc biệt ngày 16 tháng 01 năm 2001 trang Web Đăng kiểm Việt Nam với địa chỉ http://www.vr.org.vn đã được đăng ký và hoạt động trên mạng internet toàn cầu. Từ cuối năm 2018 trang Web của Cục ĐKVN đã được chuyển đổi thành cổng thông tin điện tử. Đó không chỉ đơn thuần là một trang giới thiệu quảng cáo về mình, mà điều quan trọng là mọi thủ tục chuyên môn nghiệp vụ liên quan tới công việc Đăng kiểm đều được cập nhật, chỉ dẫn, thực hiện một cách minh bạch và có hệ thống với nhiều thủ tục công trực tuyến từ cấp độ 2 đến 4. Các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức hữu quan dễ dàng nhận được các chỉ dẫn, giải quyết đầy đủ, rõ ràng, nhanh chóng.

2.2 Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có sự đầu tư rất lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện làm việc. Văn phòng trung ương và hầu hết các văn phòng đại diện, chi cục, trung tâm Đăng kiểm trong cả nước đều có trụ sở khang trang với đầy đủ các phương tiện văn phòng tiên tiến. Cục đã đưa vào sử dụng các trung tâm thử nghiệm với các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu thử nghiệm vật liệu, máy móc và trang thiết bị sử dụng trong việc chế tạo và sửa chữa các phương tiện giao thông vận tải và thăm dò, khai thác dầu khí biển.

Các đơn vị Đăng kiểm và các đăng kiểm viên từng bước được trang bị các phương tiện kiểm tra hiện đại, đảm bảo tính chính xác, tin cậy, trung thực, khách quan trong kết quả kiểm tra, đánh giá; góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và khả năng hoạt động an toàn của các phương tiện giao thông vận tải và các công trình dầu khí biển.

*

Cục Đăng kiểm Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2015

2.3 Về hợp tác quốc tế.

Hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, hội nhập và mở rộng lĩnh vực hoạt động là một nhiệm vụ rất quan trọng của của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức quốc tế liên quan đăng kiểm như IMO, ILO, OTNK, IACS, ACS, CITA, ... Một điển nổi bật là Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ký hoặc ký lại thoả thuận hợp tác và thay thế lẫn nhau với 23 tổ chức đăng kiểm hàng đầu quốc tế, trong đó bao gồm 11 thành viên chính thức của IACS, là các tổ chức đăng kiểm mạnh nhất toàn cầu. Các Tổ chức đăng kiểm lớn như LR, ABS, DnV, NK, KR, RINA, BV, ... đều có sự hợp tác chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong hoạt động phân cấp tàu biển/ công trình dầu khí biển tại Việt Nam, rất nhiều công việc của các tổ chức này do đăng kiểm viên của chúng ta đảm nhiệm.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đẩy mạnh việc tiếp xúc và quan hệ với các Chính quyền Hàng hải nước ngoài để họ có thể uỷ quyền cho VR thực hiện việc kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận theo luật cho các tàu và công trình dầu khí biển mang cờ quốc tịch của họ. Đến nay VR đã được 14 Chính quyền Hàng hải nước ngoài uỷ quyền thực hiện công việc này như: Panama, Belize, Honduras, Bolivia, St Vicent and the Grenadines, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Tuvalu, Grudia, Kiribati, .... Cục đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho công tác đăng kiểm của nước bạn Lào và Campuchia. Hoạt động hợp tác quốc tế đã làm cho vị thế của VR được nâng lên rất nhiều.

1.Kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong những năm qua, các phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các công trình dầu khí biển Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, vì thế công tác đăng kiểm cũng đòi hỏi phải nâng lên tầm cao mới. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động đào tạo nâng cao cho đội ngũ đăng kiểm viên, đáp ứng được việc kiểm tra các phương tiện chuyên dụng, các công trình có kích thước rất lớn như tàu dầu trên 100.000 tấn, tàu chứa dầu 150.000 tấn, dàn khoan với độ sâu nước đến 120 m, tàu chở khí hoá lỏng, tàu chở hoá chất, tàu chở hàng rời, tàu chở container, tàu chở khách, các loại ô tô và đầu máy, toa xe hiện đại, các phương tiện chuyên dùng hiện đại và phức tạp, ... Các phương tiện giao thông vận tải và các công trình dầu khí biển Việt Nam luôn hoạt động an toàn, hiệu quả rất ít xảy ra các tai nạn, sự cố nghiêm trọng trong suốt những năm qua một phần là kết quả của công tác quản lý, giám sát kỹ thuật chặt chẽ của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Không những tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các công việc đăng kiểm truyền thống liên quan đến kiểm tra, đánh giá và chứng nhận về an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các loại phương tiện giao thông vận tải và công trình dầu khí biển, trong 5 năm qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiếp tục mở rộng hoạt động của mình trong các lĩnh vực mới: đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý lao động hàng hải, kiểm tra và chứng nhận về ngăn ngừa ô nhiễm không khí và ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải từ tàu, hệ thống chống hà thân tàu, quản lý nước dằn và cặn nước dằn, tái sinh tàu an toàn, khu vực sinh hoạt của thuyền viên trên tàu, áp dụng quản lý rủi ro trong thẩm định thiết kế phương tiện, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt, kiểm định đường sắt đô thị, thử nghiệm khí thải các loại động cơ và xe cơ giới, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, hiệu quả năng lượng phương tiện GTVT, ...

Bên cạnh công việc chủ yếu là kiểm tra, phân cấp tàu biển và công trình dầu khí biển Việt Nam, VR đang xúc tiến việc mở rộng phân cấp các phương tiện của nước ngoài. Trong đội tàu biển mang cấp của VR hiện nay đã có nhiều tàu treo cờ các nước Panama, Belize, Mông Cổ,Tuvalu và Kiribati.

Cục đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn vềđào tạo và kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sởđóng mới và sửa chữa phương tiện, thiết bị giao thông vận tải/ công trình dầu khí biển, tăng cường hiệu quả khai thácphương tiện và chất lượng đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên vận hành phương tiện, sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu thủy của các doanh nghiệp liên quan; góp phần quan trọng thực hiện thành công các kế hoạch, dựán của ngành công nghiệpgiao thông vận tải và thăm dò, khai thác dầu khí biển; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nướcđối với an toàn và chất lượng phương tiện.

*

Giám sát kỹ thuật và phân cấp tàu thủy

3. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN.

Để phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được trong hơn một nửa thế kỷ qua, nhằm hoàn thành tốt hơn nữa chức trách và nhiệm vụ được giao, toàn Ngành Đăng kiểm ra sức phấn đấu hết mình để làm nên một thời kỳ phát triển mới, cao hơn, toàn diện hơn theo hướng chính quy, hiện đại, kỷ cương, hiệu lực với quyết tâm "Đổi mới hơn nữa; Quyết liệt hơn nữa; Chất lượng hơn nữa; Hiệu quả hơn nữa; Tăng tốc và Phát triển hơn nữa", tập trung vào ba đột phá đã được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đó là: hoàn thiện thể chế trong công tác đăng kiểm, phát triển nguồn nhân lực đăng kiểm có chất lượng cao, và hiện đại hóa công tác đăng kiểm.

Để đạt được mục tiêu đó, những trọng tâm công tác sau đây cần được triển khai, thực hiện trong thời gian tới:

3.1 Hoàn thiện thể chế và pháp chế kỹ thuật.

Thể chế và pháp chế kỹ thuật là tiền đề, là điều kiện cơ bản nhất để Đăng kiểm hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Bộ luật Hàng hải, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Giao thông đường sắt, Luật Dầu khí đã được Nhà nước ban hành, hoạt động Đăng kiểm trong những lĩnh vực này được Luật hoá ở mức độ cao nhất. Đó là điều kiện thuận lợi để Đăng kiểm Việt Nam có vị thế pháp lý chắc chắn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, Đăng kiểm Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa việc tham gia rà soát, bổ sung, sửa đổi các luật và bộ luật này; biên soạn và trình duyệt hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, hướng dẫn theo hướng hệ thống hoá, đồng bộ hoá, chuẩn hoá và quốc tế hoá; sớm hoàn thành toàn bộ việc chuyển đổi các quy phạm quốc gia liên quan sang quy chuẩnkỹ thuật quốc gia.

3.2 Đào tạo, xây dựng đội ngũ

Yếu tố con người luôn được coi là yếu tố hàng đầu. Nhìn vào đội ngũ đăng kiểm viên, đánh giá viên sẽ đánh giá được trình độ, uy tín của cơ quan đăng kiểm, bởi đăng kiểm viên, đánh giá viên phải thường xuyên thay mặt cơ quan Đăng kiểm làm việc độc lập tiếp xúc với khách hàng để thực thi công vụ. Đội ngũ đăng kiểm viên, đánh giá viên phải được tiêu chuẩn hoá, đủ sức để đáp ứng sự đòi hỏi của đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đào tạo bổ sung nâng cao, đào tạo lại đăng kiểm viên, đánh giá viên của tất cả các lĩnh vực chưa đủ khả năng làm việc theo quy định của các hạng đăng kiểm viên, đánh giá viên. Việc đào tạo thực hiện theo từng mô đun, tăng cường đào tạo thực tế tại hiện trường để sau khi đào tạo đăng kiểm viên, đánh giá viên có khả năng làm việc ngay. Ngoài việc đào tạo trong nước, cần mở rộng và tạo mọi điều kiện để gửi đăng kiểm viên, đánh giá viên đi tu nghiệp, nâng cao trình độ ở nước ngoài. Bên cạnh công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, cần đẩy mạnh việc đào tạo công nghệ thông tin và và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, đăng kiểm viên và đánh giá viên.

Chú trọng việc tạo dựng nền nếp phong cách làm việc chính quy; giữ nghiêm kỷ cương kỷ luật. Thực thi nhiều biện pháp phối kết hợp như giáo dục, động viên, đi đôi với kiểm tra, kiểm soát cùng với việc áp dụng các công nghệ và kỹ thuật mới nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.