Chụp milky way

     

Trong nhiều năm trở lại đây, chụp ảnh Milky Way (Dải Ngân Hà) đã nhanh chóng trở nên phổ biến và được ưa chuộng. Vẻ đẹp của bầu trời đầy sao đã là nguồn cảm hứng cho con người trong hàng nghìn năm từ các tác phẩm hội hoạ lẫn thơ ca. Không có gì tuyệt vời hơn việc chứng kiến hàng triệu ngôi sao giống như những viên kim cương lấp lánh trên đầu.

Bạn đang xem: Chụp milky way

Nhờ vào khả năng chụp thiếu sáng tốt của máy ảnh kỹ thuật số, việc chụp những bức ảnh đẹp về Milky Way đã trở nên dễ dàng và dễ tiếp cận hơn đối với bất kỳ nhiếp ảnh gia nào. Là một người đam mê vẻ đẹp của bầu trời đêm, mình đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu và đi chụp nhiều nơi, và bây giờ, mình muốn chia sẻ với các bạn một số mẹo và kinh nghiệm khi chụp ảnh Milky Way.

Chụp ảnh vào ban đêm nghe có vẻ phức tạp nhưng mình hy vọng hướng dẫn này sẽ giúp bạn hiểu những điều cơ bản và truyền cảm hứng cho bạn để có thêm nhiều chủ đề trong những chuyến đi chụp. Bắt đầu nào.


Mục lục

1 Lên kế hoạch2 Thiết bị3 Thông số5 Hậu kì ảnh Milky Way

Lên kế hoạch

Chụp khi nào

Milky Way (hay Dải Ngân Hà) có thể nhìn thấy trên bầu trời mỗi đêm bằng mắt thường, miễn là bạn đang ở nơi có bầu trời tối, không mây, cách xa ánh sáng đô thị. Tuy nhiên, phần sáng nhất và đẹp nhất của Milky Way – khu vực gần trung tâm (Galactic Core)- chỉ có thể nhìn thấy trong một số khoảng thời gian nhất định. Vì vậy trong phạm vi bài viết này nếu mình nói Milky Way, Dải Ngân Hà thì bạn ngầm hiểu rằng mình đang nói đến khu vực trung tâm sáng nhất.

Ở Bắc bán cầu (hay ở Việt Nam) khoảng thời gian tốt nhất để chụp trung tâm Milky Way là từ tháng 3 đến tháng 10. Lưu ý rằng do Trái đất quay, vị trí biểu kiến của Milky Way trên bầu trời cũng thay đổi trong đêm. Do đó, thời điểm chụp rất quan trọng.


*
Milky Way xuất hiện vào từng mùa trong năm và thời điểm trong ngày tại cùng một địa điểm. Ảnh: Linh Nguyen

Một yếu tố quan trọng khác là Mặt Trăng. Ánh trăng khá sáng và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hiển thị của Milky Way trên bầu trời đêm. Do đó, bạn nên chụp ảnh trong khi độ sáng Mặt Trăng không vượt quá 25%. Hãy nhớ kiểm tra lịch Mặt trăng trước khi đi chụp. Timeanddate.com là trang web mà mình khuyến khích bạn sử dụng. Ngoài ra còn rất nhiều ứng dụng trên điện thoại có thể theo dõi được các pha Mặt Trăng như Skyview, Photopills…


*
Ánh sáng Mặt Trăng làm Milky Way trở nên mờ nhạt hơn. Ảnh: Linh Nguyen

Ví dụ như ngày bạn đi chụp Milky Way xuất hiện từ lúc 20h00, trong khi Mặt Trăng 23h00 mới mọc, do vậy bạn hoàn toàn có 3 tiếng để thoải mái chụp nhiều bức hình.


*
Lịch mặt trăng mọc, lặn trong ngày. Ảnh chụp màn hình từ timeanddate.com

Chụp ở đâu

Bầu trời tối là điều kiện cần để chụp ảnh Milky Way. Thật không may, chúng ta không thể nhìn thấy nó từ các thành phố lớn do tình trạng ô nhiễm ánh sáng mạnh. Vì vậy, để chụp được ảnh Milky Way bạn cần di chuyển cách càng xa thành phố càng tốt.

Ngoài ô nhiễm ánh sáng, các thành phố thường tạo ra một lượng đáng kể khí bụi, điều này cũng ảnh hưởng đến độ trong của bầu trời. Nhưng bạn nên đi đâu? Một điểm khởi đầu tốt là các vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn gần nơi bạn sống. Thông thường, những khu vực đó được bảo vệ và quản lý tốt để giảm thiểu tác động của các hoạt động của con người. Ngoài ra vùng đồi núi và bờ biển ở cách xa thành phố cũng rất thích hợp để chụp Milky Way. Tuy có một chút ảnh hưởng do hoạt động của ngư dân ngoài vùng biển tuy nhiên vùng ven biển cũng là nơi ít bị ô nhiễm sáng.


*
Milky Way trên bờ biển Đồng Châu, Thái Bình. Ảnh: Linh Nguyen

Tìm vùng không nhiễm sáng

Có nhiều trang web khác nhau có thể giúp bạn tìm các khu vực có bầu trời tối, cả trong khu vực bạn sống của bạn và trên toàn thế giới. Phổ biến là lightpollutionmap.info

Màu xanh lam tương ứng với những vùng tối nhất không bị ô nhiễm ánh sáng. Các khu vực có mức độ ánh sáng nhân tạo tăng nhẹ được hiển thị bằng màu xanh lục. Vùng màu vàng là vùng cuối cùng, nơi chúng ta có thể vẫn có cơ hội nhìn thấy một số ngôi sao mờ nhạt. Màu đỏ và hồng chỉ ra những khu vực bị ô nhiễm ánh sáng nặng.


*
Bản đồ ô nhiễm ánh sáng của khu vực xung quanh Hà Nội. Màu đỏ và hồng tương ứng với mức độ sáng nhất của đèn điện. Ảnh chụp màn hình từ lightpollutionmap.info

Khảo sát địa điểm chụp

Sau khi biết cách tìm bầu trời tối, bước tiếp theo là tìm một địa điểm chụp ảnh thực tế. Bạn nên chuẩn bị trước và nghiên cứu trên internet. Google Maps, Instagram, Facebook và thậm chí các nguồn địa phương (chẳng hạn như báo chí, trang web địa phương, diễn đàn trực tuyến, v.v.). Điều này chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm được công sức và do thám địa điểm chụp hiệu quả.

Khảo sát địa điểm chụp rất quan trọng, sau khi đã có thông tin trên internet, bạn cần đến tận nơi để kiểm chứng vì rất có thể địa điểm chụp đã được tư nhân hoá và không thể ra vào vào ban đêm. Không có gì chắc chắn bằng việc bạn dành thời gian ban ngày để khảo sát trước tại địa điểm chụp.


*
Khảo sát địa điểm chụp rất quan trọng với chụp ảnh Milky Way. Ảnh: Linh Nguyen

Thời tiết

Mục tiêu là chụp ảnh bầu trời đêm nên rất cần bầu trời quang đãng không mây. Điều này gần như trái ngược với chụp ảnh phong cảnh thông thường, nơi thường cần có mây và mưa để tạo ra ánh sáng ấn tượng. Đi vào ban đêm để săn tìm những ngôi sao bị mây mù che lấp rất chán nản. Vì vậy, chúng ta cần phải kiểm tra thời tiết kỹ càng trước.

Không có gì chắc chắn với thời tiết, tuy nhiên chúng ta có thể nhờ vào sự trợ giúp của các ứng dụng dự báo để theo dõi. Ứng dụng dự báo trên điện thoại thông minh cũng khá chính xác khi bạn ở ngay gần địa điểm chụp. Mình gợi ý một số trang web và ứng dụng giúp bạn theo dõi thời tiết.

Cách tìm vị trí Milky Way

Nếu bạn mới bắt đầu với chụp ảnh Milky Way thì cách thích hợp nhất là sử dụng phần mềm trên laptop hoặc ứng dụng trên điện thoại di động. Chúng cho biết thời gian Milky Way xuât hiện trên bầu trời vào bất kì ngày nào và giờ nào trong năm. Phần mềm mà mình sử dụng là Skyview và Photopills. Chúng cho phép xem trực tiếp Milky Way giả lập thông qua camera để giúp bạn định hình được ngay cả khi khảo sát vào ban ngày.


*
Sử dụng công cụ Night AR trên Photopills để xác định vị trí Milky Way. Ảnh chụp màn hình từ app Photopills

An toàn

Rõ ràng, an toàn không thể được đánh giá thấp, nó có thể là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt là khi chúng ta đang nói về các hoạt động chụp ảnh trong đêm. Nếu có thể, hãy cố gắng không ra ngoài một mình, hãy du lịch với một người bạn cùng đam mê hoặc nhóm bạn. Nếu bạn dự định đi đến một địa điểm xa, hãy nhớ đăng ký tại kiểm lâm hoặc cảnh sát gần nhất. Luôn mang theo đủ đồ dùng và nước. Ngoài ra, một số nơi có thể không phủ sóng điện thoại và không có người sống nên cách tốt nhất là nhờ vào sự trợ giúp từ một người địa phương gần đó để hiểu rõ về địa điểm bạn muốn chụp hơn.

Thiết bị

Máy ảnh

Bất kì máy ảnh nào cho phép điều chỉnh các thông số ISO, khẩu độ, tốc độ đều có thể chụp ảnh Milky Way. Máy ảnh DSLR hoặc Mirrorless sẽ thích hợp hơn, do khả năng sử dụng ống kính khẩu độ lớn (do đó thu được nhiều ánh sáng hơn).


*
Thiết bị sử dụng để chụp ảnh Milky Way. Ảnh: Linh Nguyen

Ống kính

Điều quan trọng hơn máy ảnh trong chụp ảnh đêm là bạn chọn sử dụng ống kính nào. Có hai thông số quan trọng mà bạn cần quan tâm khi chọn ống kính: tiêu cự và khẩu độ tối đa.

Tiêu cự xác định góc nhìn. Tiêu cự càng nhỏ, góc nhìn càng lớn. Ống kính góc rộng (14-24 mm) cho phép chúng ta chụp những khung cảnh rất rộng của Milky Way. Tiêu cự tầm trung (35-70mm) sẽ giúp tập trung vào một số phần nhất định của Milky Way, chẳng hạn như trung tâm, đồng thời hiển thị nhiều chi tiết hơn.

Bạn nên có ít nhất một ống kính góc rộng (khoảng 14mm-16mm) hoặc ống kính khẩu độ lớn (f/1.4-f/2.8). Ống kính góc rộng cho phép chụp được cả bầu trời và tiền cảnh dễ dàng, trong khi ống kính khẩu độ lớn cho phép ánh sáng vào nhiều, rất có lợi trong trường hợp điều kiện ánh sáng yếu.

Chân máy

Chân máy là vật bắt buộc bạn phải có để chụp ảnh Milky Way. Vào ban đêm, khi tốc độ phơi sáng thông thường từ 10s hoặc hơn do dó bạn cần có chân máy để giữ máy ảnh cố định.

Phụ kiện

Có một phụ kiện nhỏ nhưng rất cần thiết khi chụp ảnh Milky Way đó là đèn pin. Chúng giúp di chuyển dễ dàng hơn trong bóng tối để chọn được nhiều góc chụp hơn. Bạn có thể sử dụng đèn đội đầu, rất tiện dụng giúp hai tay rảnh để tập trung vào việc chụp. Dây bấm mềm cũng hữu ích khi nó giúp cho tấm ảnh phơi sáng lâu không bị rung khi vô tình bấm nút chụp.Nếu chụp nhiều giờ ngoài trời đêm, bạn cũng cần chuẩn bị khăn lau ống kính bởi ban đêm sương rơi nhiều.


*
Chuẩn bị thiết bị đầy đủ rất quan trọng với chụp ảnh Milky Way. Ảnh: Linh Nguyen

Thông số

Camera mode

Với ảnh phong cảnh đêm nói chung và ảnh Milky Way sẽ sử dụng mode chụp M để mang lại sự linh hoạt bởi thang đo sáng hoạt động không hiệu quả trong trời tối. Chúng ta sẽ thiết lập các thông số ISO, khẩu độ, tốc độ và lấy nét bằng tay. Bạn sẽ thấy các thông số này rất dễ nhớ vì chúng dùng được cho hầu hết ảnh Milky Way.

ISO, khẩu độ, tốc độ

Với kinh nghiệm chụp nhiều năm, mình có một thông số phổ biến và sử dụng cho hầu hết các trường hợp chụp ảnh Milky Way: Khẩu độ f/2.8, Tốc độ 25s và ISO dao động từ 1600-6400.

Nói chung, khẩu độ từ 1.4 đến 2.8 là tốt nhất để đảm bảo lượng ánh sáng vào máy ảnh và duy trì tốc độ chụp trong khoảng vài chục giây. ISO chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện môi trường nơi bạn chụp, máy ảnh ngày nay mang lại chất lượng khá tốt ở ISO 6400, tuy nhiên nếu chụp ở địa điểm hơi bị ô nhiễm sáng, bạn có thể giảm ISO để ảnh ít noise hơn.


*
Bầu trời đêm ở Sáng Nhù, Mù Cang Chải. Ảnh: Linh Nguyen

JPG hay RAW

Luôn luôn chụp ảnh RAW bởi ảnh RAW không được nén và xử lý và cho phép bạn khai thác tối đa dữ liệu. Ngoài ra trong điều kiện ánh sáng yếu cân bằng trắng (WB) hoạt động không tốt do đó ảnh RAW cho phép tuỳ chỉnh cân bằng trắng khi hậu kỳ vì vậy lời gợi ý ngắn gọn nhất là luôn sử dụng ảnh RAW.

Xem thêm: Bán Xe Dodge Challenger Cũ Mới 10/2021, Dodge Challenger 2020 Cũ Giá Rẻ 10/2021

Lấy nét

Chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yêu luôn là thách thức với lấy nét. Hầu hết hệ thống lấy nét tự động sẽ không hoạt động chính xác vào ban đêm do đó bạn cần lấy nét bằng tay. Cách tốt nhất để lấy nét là sử dụng live view, hãy hướng máy ảnh đến ngôi sao sáng nhất, quan sát qua live view đã được phongs đại lên x5 hoặc x10 và xoay vòng nét thủ công. Như vậy bạn có thể lấy nét một lần và sử dụng cho cả buổi chụp. Lưu ý rằng tiêu điểm sẽ thay đổi một chút nếu bạn sử dụng zoom trên ống kính, vì vậy mỗi lần thay đổi tiêu cự bạn sẽ phải lấy nét lại. Ngoài ra, khi sử dụng chân máy để phơi sáng, bạn hãy tắt chế độ chống rung trên ống kính nếu có.

Biểu tượng lấy nét ở vô cực trên ống kính cũng dễ gây nhầm lẫn, đối với một số ống kính, biểu tượng vô cực làm các ngôi sao nét nhất tuy nhiên đa số các ống kính không phải như vậy. Điểm nét của các ngôi sao nằm ở đâu đó gần điểm vô cực. Vì vậy chỉ cần xoay nét chạm điểm vô cực và mở live view để quan sát, vặn ngược lại một chút là các ngôi sao sẽ nét.

Quy tắc 500

Do Trái Đất luôn quay nên những ngôi sao trên bầu trời sẽ “chạy” nếu bạn sử dụng tốc độ chụp quá lâu. Vì vậy quy tắc 500 được sử dụng để tính thời gian phơi sáng cho phép để sao không tạo vệt.

Thời gian phơi sáng tối đa = 500/(tiêu cự x hệ số crop)

Ví dụ bạn sử dụng máy ảnh full frame với tiêu cự 14mm thì thời gian phơi sáng tối đa là 35s, trong khi máy ảnh crop chỉ nên chụp ở 22s.

Quy tắc NPF

Quy tắc 500 bắt nguồn từ khá lâu và có vẻ lỗi thời đối với sự phát triển của cảm biến máy ảnh có nhiều megapixel. Vì vậy có một nguyên tắc khác là NPF để tính toàn thời gian phơi sáng tối đa phụ thuộc vào khoảng cách điểm ảnh trên sensor (pixel pitch), khẩu độ và tiêu cự. Về lý thuyết quy tắc NPF được tính gần đúng như sau:

Thời gian phơi sáng tối đa = (35 x khẩu độ +30 x pixel pitch)/ tiêu cự

Ví dụ với ống kính 14-24mm và máy ảnh mình sử dụng là D800e (7360×4912) có pixel pitch = 35.9/7360×1000=4.87 μm,

thời gian phơi sáng theo quy tắc NPF=(35×2.8+30×4.87)/14=17 s

Đối với quy tắc 500, kết quả là 35s trong khi NPF cho kết quả là 17s. Thực tế cho thấy đối với máy ảnh có độ phân giải lớn thường được sử dụng để in ấn khổ to, vì vậy khi zoom lên sẽ thấy rõ các vệt sao nhoè một chút vì vậy quy tắc NPF chính xác hơn.

Mở rộng: Tuy nhiên tốc độ chụp thấp làm ảnh thiếu sáng do vậy để linh động và dễ nhớ hơn mình sử dụng quy tắc 300: Tốc độ chụp = 300/ tiêu cự.

Do vậy tốc độ chụp đối với máy ảnh D800e có độ phân giải 36mpx và ống kính 14-24mm là 300/14=21.4s làm tròn thành 20s. Mình đã thử và công thức này hiệu quả. Đôi khi có thể làm tròn thành 25s để có được độ phơi sáng tốt.

Milky Way Panorama

Chụp ảnh panorama có lẽ là cách tốt nhất để chụp toàn bộ Milky Way bởi chúng trải dài 180 độ. Bạn có thể đã nhìn thấy những hình ảnh như vậy, một vòng cung lớn của Milky Way vắt qua bầu trời.


*
Ảnh Milky Way Panorama trên dãy Hoàng Liên Sơn, Lào Cai. Ảnh: Linh Nguyen

Để chụp một bức ảnh panorama, chúng ta cần những thiết bị và thông số như đã đề cập ở phía trên bài viết. Sự khác biệt là thay vì chụp một ảnh duy nhất, chúng ta sẽ chụp một loạt ảnh và sau đó ghép lại với nhau trong quá trình xử lý hậu kỳ.

Hãy đặt chân máy thăng bằng và lắp máy ảnh theo chiều dọc (có L-plate rất hữu ích trong tình huống này). Hướng máy ảnh về hướng ngoài cùng bên trái của Milky Way, đó sẽ là điểm bắt đầu chụp của bạn. Sau đó, chụp hình ảnh đầu tiên. Sau khi phơi sáng xong, xoay máy ảnh của bạn một chút sang phải để có độ trùng khoảng 30% với hình ảnh trước đó và chụp hình ảnh thứ hai. Tiếp tục chụp ảnh cho đến khi bạn đến phía bên phải của Milky Way. Nếu chụp 1 hàng không lấy hết được Milky Way thì bạn tiến hành chụp tiếp hàng thứ 2 với cách làm tương tự và trùng 30% so với hàng trên.

Mẹo: Bạn nên chụp rộng hơn một chút so với Milky Way. Điều này sẽ giúp bố cục được đẹp hơn khi xử lý hậu kỳ.


*
Cách chụp ảnh Milky Way Panorama. Ảnh: Linh Nguyen

Hậu kì ảnh Milky Way

Để xử lý hình ảnh, mình sử dụng kết hợp Adobe Lightroom/Camera Raw và Photoshop. Mặc dù mỗi ảnh có một cách xử lý khác nhau,tuy nhiên quy trình xử lý hình ảnh thông thường gồm các bước:

Adobe Lightroom/Camera Raw: Sơ chế

Điều chỉnh Exposure: Thông thường, mình tăng giá trị này lên 1 đến 2-stop (tuỳ thuộc vào vùng Highlights)

Cân bằng trắng (WB): Để cân bằng trắng, mình sử dụng công cụ Bộ chọn Cân bằng Trắng (phím W với Lr hoặc I với Camera Raw) . Cố gắng tìm vùng màu xám trên hình ảnh và nhấp vào vùng này bằng công cụ đã chọn.

Làm nét (Sharpening): Kéo về 0. Đối với hình ảnh bầu trời đêm, tăng độ sắc nét chỉ tạo thêm nhiều noise. Công việc làm nét sẽ để cuối cùng.

Giảm Noise: Kéo tăng 10,15 hoặc hơn, tuỳ thuộc vào chất lượng hình ảnh.

Profile ống kính: Chọn xóa quang sai màu(chromatic aberration) và chỉnh sửa cấu hình ống kính (lens profile).

Đối với các thông số còn lại, chỉ cần giữ nguyên. Xuất hình ảnh sang Adobe Photoshop (trực tiếp từ Lightroom/Camera Raw hoặc lưu dưới dạng TIFF 16-bit).

Adobe Photoshop: Tinh chỉnh

Sử dụng Layer Mask: Tách vùng trời và tiền cảnh (Quick Selection Tool là công cụ nhanh nhất)

Tạo 2 lớp điều chỉnh, một cho tiền cảnh và một cho bầu trời. Lý do là bởi độ sáng của 2 vùng khác biệt rõ rệt, nên khó điều chỉnh chỉ với điều chỉnh tổng thể. Vùng tiền cảnh có thể chỉnh sáng hơn một chút nếu cần. Vùng trời điều chỉnh tăng tương phản hơn để lên màu và chi tiết, tuy nhiên vẫn cần giữ cân bằng tổng thể. Cân bằng tổng thể là ngoài thực tế bầu trời sáng hơn tiền cảnh thì ảnh khi hậu kì vẫn đảm bảo như vậy để có được sự tự nhiên.

Điều chỉnh màu sắc: Sử dụng công cụ Color Balance hoặc Selective Color để tinh chỉnh màu sắc cho hài hoà hơn.

Độ bão hoà (Saturation): Tăng thêm nếu cần thiết, thông thường mình tăng lên 10-15 và chỉ áp dụng cho phần trời bằng cách kết hợp với layer mask đã chọn ban đầu.

Giảm Noise: Nếu hình ảnh vẫn còn một chút noise, mình sẽ sử dụng thêm một lớp filter camera raw bằng cách vào Filter -> Camera Raw Filter -> Noise Reduction và kéo tăng khoảng 10-20

Gộp tất cả các layer lại (Merge Layers) hoặc giữ lấy một Layer gốc chưa chỉnh để có thể xử lý về sau. Lưu TIFF 16-bit để lưu trữ.

Làm nét: (Sharpening): Làm nét là công việc cuối cùng bởi mỗi kích thước ảnh khi sử dụng trên internet hoặc in ấn cần một thông số làm nét khác nhau, do vậy cần thực hiện thao tác làm nét trên một bản sao sau khi đã quyết định được kích cỡ. Lưu JPG để sử dụng trên web và mạng xã hội.


*
Milky Way trên Mũi Đại Lãnh, Phú Yên. Ảnh: Linh Nguyen

Để xử lý ảnh Milky Way Panorama, trước tiên chúng ta cần ghép các hình ảnh thành một tấm duy nhất. Nó có thể được thực hiện bằng cách sử dụng Adobe Lightroom (Photo -> Photo Merge -> Panorama), Camera Raw (Command/Ctrl M), trong Adobe Photoshop (File -> Automate -> Photomerge).

Nếu bạn muốn có toàn quyền kiểm soát quá trình ghép Panorama, bạn hãy sử dụng thêm phần mềm ghép chuyên dụng hơn như Ptgui hoặc Autopano.

Sau khi đã có một hình ảnh thì các bước xử lý giống như trên photoshop.

Lời kết,

Chụp ảnh Milky Way là một sở thích rất hấp dẫn và lành mạnh, nó mang đến cho bạn cơ hội hoà hợp với thiên nhiên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bầu trời đêm. Dần dần bạn sẽ có thêm kinh nghiệm chụp các sự kiện thiên văn khác để có thêm nhiều kỉ niệm về chuyến đi và làm bộ sưu tập ảnh phong phú hơn. Mặc dù chụp ảnh Milky Way và bầu trời đêm sẽ phải đối diện với những đêm mây mù che lấp (sẽ xảy ra) hoặc những đêm không ngủ nhưng những trải nghiệm và giá trị mang lại hoàn toàn xứng đáng. Vì vậy, đừng bỏ cuộc và không ngừng khám phá.