Đột phá chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên số

     

Mục tiêu của nền giáo dục mở là tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, ai cũng có thể học hành cũng như cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

Bạn đang xem: Đột phá chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên số


*
(Ảnh minh họa)

Trước những tác động nhiều chiều của quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Việt Nam sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm để đất nước có thể cạnh tranh trong nền kinh tế của tương lai. Đầu tư vào vốn con người, phát triển nhanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng và trọng dụng nhân tài là yêu cầu cấp bách và quyết liệt của nước ta trong giai đoạn tới.Điều đó mở ra cơ hội để giáo dục đẩy mạnh đổi mới theo hướng phát triển giáo dục mở.

Tham mưu, định hướng chiến lược, định vị bản chất thực của giáo dục nói chung và giáo dục mở nói riêng càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, với xu thế đổi mới công nghệ trong giáo dục, cần phải đào tạo, hình thành và phát triển những con người của xã hội, cho xã hội và vì sự phát triển của xã hội. Một hệ thống nội dung thiếu sự gắn kết trực tiếp với đời sống xã hội, quá hàn lâm, bỏ qua những thứ đang hiện hữu trong cuộc sống là những rào cản trong quá trình đào tạo con người của xã hội hiện nay.

Sự bùng nổ và phát triển về công nghệ giáo dục sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người.Đổi mới tư duy, tìm chọn mô hình phát triển phù hợp nhằmxây dựng nền giáo dục mở ra cơ hội học tập tốt hơn, có chất lượng hơn cho những người có nhu cầu, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục là những vấn đề ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia, nhất là những nhà khoa học, người hoạch định chính sách.

NỘI HÀM CỦA PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MỞ

Nền giáo dục mở được coi là “triết lý cải cách giáo dục” ở Hoa Kỳ cuối những năm 1960, đầu những năm 1970 và phát triển nhiều năm ở Anh với cách gọi đơn giản là “giáo dục tiến bộ”, “giáo dục hiện đại”. Mục tiêu của nền giáo dục mở là tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, ai cũng có thể học hành cũng như cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế, khác với nền giáo dục “đóng” không còn phù hợp.

Khái niệm về “giáo dục mở” cho đến nay chưa có một cách hiểu thống nhất, nội hàm của nó chưa được các nhà khoa học, nhà quản lý các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ.

Giáo dục mở được hiểu là mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người so với giáo dục chính quy thông thường qua nhiều phương thức đào tạo, bằng nhiều nguồn tư liệu từ tài nguyên giáo dục mở và môi trường học tập khác nhau, các khóa học mở. Giáo dục mở được coi như một triết lý với các hoạt động thực hành có hiệu quả tích cực, được kỳ vọng tập trung vào người học, linh hoạt liên thông giữa các yếu tố bên trong và ngoài hệ thống, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người. Từ “mở” trong “giáo dục mở” có hàm ý: dỡ bỏ bớt các rào cản - hạn chế cơ hội tham dự của người học cũng như công nhận kết quả học tập tại cơ sở giáo dục.

Giáo dục mở được coi như một triết lý với các hoạt động thực hành có hiệu quả tích cực, được kỳ vọng tập trung vào người học, linh hoạt liên thông giữa các yếu tố bên trong và ngoài hệ thống, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người.

Giáo dục mở trên thế giới hiện đã chuyển từ những hoạt động mang tính phong trào sang giai đoạn xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết. Nhiều khuyến nghị về chính sách đã được đề xuất trên phạm vị quốc tế.

Là quốc giađang phát triển, theo đuổi mục tiêuphát triểnnhanhvàbền vững, phấn đấuđến giữa thế kỷ XXItrở thành quốc gia phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩacó thu nhập trung bình cao, Việt Nam tất yếu phải tiến theo xu hướng này.Để có hướng đi chính xácvànhững bước đi vững chắc, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiệncủa Việt Nam, rất cần nghiên cứu sâu cơ sở lý luận, đánh giá tổng kết việc xây dựng nền giáo dục mở; đề xuất giải pháp tham mưu chiến lược và những vấn đề cốt lõiđang đặt ra trong quá trình hoàn thiện nền giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

ĐỊNH HƯỚNG NỀN GIÁO DỤC THEO HƯỚNG MỞ Ở VIỆT NAM

Xây dựng nền giáo dục theo hướng mở là một trong những bước chuyển lớn của giáo dục nước ta trong tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; hướng tới một mô hình mới về phát triển giáo dục trong bối cảnh CMCN 4.0 với mục đích “tăng cường sự tiếp cận và tham dự thành công trong giáo dục bằng cách dỡ bỏ các rào cản và cung cấp nhiều con đường đến với học tập và chia sẻ tri thức”.

Hội nhập quốc tế về giáo dục cùng với những thành tựu về hợp tác quốc tế trong 35 năm đổi mới vừa qua đang đem lại cho nước ta cơ hội lớn về tăng cường hợp tác với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới, thu hút nguồn lực, học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin và tri thức nhằm sớm đưa giáo dục Việt Nam tiến bước theo hướng giáo dục mở với các định hướng sau:

Một là,huy động nguồn lực xã hội tạo điều kiện cho bất kỳ ai ở bất kỳ trình độ nào, điều kiện nào cũng đều được tiếp tục học tập theo nguyện vọng; tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Đáp ứng nhu cầu nhân lực quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của mỗi người dân.

Hai là,đổi mới triết lý giáo dục làm nền tảng cho việc đổi mới cách tiếp cận dạy và học, bắt đầu từ mục tiêu, vai trò của các chủ thể giáo dục, nội dung và phương pháp dạy và học nhằm liên tục nâng cao chất lượng giáo dục.

Ba là,hội nhập quốc tế, từng bước tham gia vào chuỗi thực hành giáo dục mở toàn cầu gồm tài nguyên giáo dục mở, các khóa học mở trực tuyến và thực hành giáo dục mở.

Bốn là,kết hợp hài hòa giữa đổi mới tuần tự nhằm từng bước tạo sự chuyển biến theo hướng mở cho hệ thống, đồng thời cần thiết để cạnh tranh vì sự phát triển, bảo đảm tính ổn định, bền vững.

Xem thêm: Bích Phương Idol Chiều Cao Của Bích Phương Idol, Bích Phương Cao Bao Nhiêu

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THAM MƯU CHIẾN LƯỢC

Thứ nhất,tiếp tục cập nhật khái niệm giáo dục mở để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân vềxây dựngnềngiáo dụctheo hướngmởở Việt Nam, tạo sự thống nhất trong hành động triển khai thực hiện.

Trong bối cảnh nhận thức về giáo dục mở tại Việt Nam còn chưa đầy đủ, việc nâng cao nhận thức trong ngành giáo dục cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về về vị trí, vai trò, lợi ích của giáo dục mở là đòi hỏi khách quan, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.

Giáo dục mở hiện đại đã vượt xã việc học trực tuyến và học tập từ xa, là chìa khóa để hiện đại hóa giáo dục và có thể áp dụng cho cả học tập chính quy và không chính quy,yêu cầu cung cấpmột thực hành mới dựa trên sự cởi mở ở tất cả các cấp. Nói cách khác,giáo dục mởđương đại vượt ra ngoài phạm vi của các trường đại học mở ban đầu, tiếp cận đối tượng thậm chí rộng hơn và đa dạng hơn. Các tổ chứcgiáo dụctruyền thống đã bắt đầu tham gia vào doanh nghiệp củagiáo dục từ xabằng cách cung cấp các khóa học được truy cập phần lớn hoặc độc quyền trực tuyến, hoặcbằngcác khóa học mở trực tuyến vàtài nguyên giáo dục mở.Chương trình giảng dạyđược thiết kếtheo cách linh hoạt hơn, cho phépngười họclinh hoạt hơn và tích hợp một số tiềm năng củagiáo dục mở(chẳng hạnnhư ít hạn chế hơn về thời gian và địa điểm) vào các khóa học thường xuyên(như trước đây).Đặc biệt, ngày nay giáo dục mởđược hỗ trợ bởi một thành phầncông nghệmạnh mẽ mà trước đây không thể có được. Những biến đổi nàyđãcó tác động đến các trường đại học truyền thống,đếncơ hội học tập suốt đời cho người học…

Việc nâng cao nhận thức về giáo dục mở là cần thiết trong quá trình tham mưu về chủ trương, chính sách để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, cũng như triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương thời gian qua.

Thứ hai,xây dựng chính sáchtrong chiến lược giáo dục quốc gia hoặc chính sách trong chiến lược công nghệ thông tin quốc gia để tạo hành lang pháp lý cho giáo dục mở ở Việt Nam.

Việc xây dựng các chính sách giáo dục mở để thực hiện thành công, hiệu quả nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam không nên được thực hiện bởi một cơ quan duy nhất, cũng không nên áp dụng chỉ một cách tiếp cận theo chiều dọc. Thay vào đó, một cách tiếp cận nhiều bên, nhiều chiều nên được khuyến khích. Các cơ quan liên quan từ Đảng - Quốc hội và Chính phủ - Chính quyền địa phương - Cơ sở giáo dục cần được coi trọng tham gia trong quá trình xây dựng chính sách để thúc đẩy các điều kiện, cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục mở ở Việt Nam. Theo đó:

1) Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa các bên liên quan,được xem là cung cấp khuôn khổ hành động phù hợp trong xây dựng chính sách giáo dục mở, như: tham gia thiết lập chính sách trong chiến lược quốc gia và có thể đưa chính sách giáo dục mở vào trong chiến lược phát triển giáo dục của ngành; tạo điều kiện thúc đẩy các sáng kiến về giáo dục mở ở tất cả các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… cùng xây dựng chính sách phát triển giáo dục mở; phổ biến và cung cấp nền tảng kiến thức hiện có về giáo dục mở đối với các cơ sở giáo dục trong toàn hệ thống ở trong nước; hỗ trợ giáo dục chính quy và các hình thức đào tạo khác cho giáo viên về các hoạt động thực tiễn giáo dục mở; hỗ trợ xây dựng văn bản quy định quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý về việc hướng dẫn, sử dụng các hạ tầng công nghệ, kỹ thuật hiện có và sẵn có để phát triển giáo dục mở; xây dựngKhung tham chiếu giáo dục mở quốc giađể các nhà hoạch định chính sách ở cấp hệ thống cũng như cấpcơ sởcó nhận thức đầy đủ hơn vềgiáo dục mở,từ đó xác định những lĩnh vực cần mở, mở đến đâu và mở như thế nào, tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện cụ thể của sự phát triểngiáo dục của quốc gia và địa phương.

Khung tham chiếu giáo dục quốc gia về giáo dục mởđược cấu thành bới các yếu tố: Tiếp cận mở; Nội dung mở; Phương pháp sư phạm mở; Công nhận mở; Hợp tác mở; Nghiên cứu mở; Phương thức thực hành giáo dục mở; Lãnh đạo, quản lý mở…Trên cơ sở Khung tham chiếu giáo dục mở quốc gia, sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục mở phù hợp với sự phát triển giáo dục quốc gia trong từng thời kỳ.

2) Đề xuất một số lĩnh vực cần nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách để phát triển giáo dục mở trong thời tới:

Xây dựng chính sách để mở rộng cách tiếp cận về tính mở,chính là xóabỏ các rào cản về thể chế, kinh tế, công nghệ, địa lý đối với người học, tạo điều kiện cho người học thuộc bất kỳ thành phần, độ tuổi, nền tảng văn hóa được tham gia vào nội dung, chương trình giáo dục, các khóa học, cộng đồng thực hành, các loại môi trường chia sẻ kiến thức, phương tiện truyền thông, hoạt động trong giáo dục chính quy, không chính quy và được công nhận việc học và kết quả học tập.

Xây dựng chính sách liên quan đến những nội dung trong quá trình dạy và học, tạo căn cứ pháp lý để người học, người dạy được truy cập, sử dụng không bị hạn chế hoặc có thể miễn phí tài nguyên giáo dục mở. Các tài liệu dạy và học, các kết quả nghiên cứu, các loại văn bản, sách giáo khoa, tài liệu khóa học, công trình được công bố, hình ảnh, bài giảng video, phần mềm, dữ liệu hay bất kỳ loại tài liệu giáo dục nào khác truyền tải thông tin có thể được sử dụng để dạy và học trong phạm vi công cộng hoặc “bản quyền” nhưng vẫn “miễn phí”.

Xây dựng chính sách liên quan đến phương pháp dạy và học trong nhà trường (phương pháp sư phạm)nhằmtăng cường sự tham gia và hợp tác của người học, cho phép người học thiết kế lộ trình học tập của riêng họ bằng cách cung cấp cho người học nhiều lựa chọn về tài nguyên học tập và kiểm tra đánh giá.

Xây dựng chính sách liên quan đến việc công nhận các văn bằng, chứng chỉtheo các hình thức học tập khác nhau trong các nhà trường nhằm phát triển công nhận giáo dục mởtrong hoàn cảnh cụ thể.

Xây dựng chính sách liên quan đến sự hợp tác, phối hợpgiữa các bên liên quan theo các cấp độ từ trung ương đến cơ sở và ngược lại, lưu ý đến việctrao quyền cho người học để họ có thể chủ động hợp tác với nhau và với tổ chức, cộng đồng để tạo ra kiến thức, xác định lộ trình học tập và đạt được mục tiêu của cá nhân đề ra.

Xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứutrong nhà trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học nhanh nhất và hiệu quả nhất trên thông qua việc chia sẻ và hợp tác, thay vì cố gắng xuất bản trước để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và tính mới trong nghiên cứu khoa học.

3) Đối với các địa phương với tư cách là đối tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai, phát triển, tài trợ và đồng quản lý các sáng kiến giáo dục mở, cần xem xét việc cung cấp năng lực về giáo dục mở của địa phương cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên để triển khai các chính sách cấp quốc gia về giáo dục mở có chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba,xây dựng chính sách để thu hút các nguồn lực, tạo mọi điều kiện về tiếp cận giáo dục , đảm bảo công bằng xã hội cho mọi người học, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập.

Nền tảng của việc huy động nguồn lực phát triểngiáo dục mởthông thường là nguồn nhân lực, vật lực và tài lực (gọi chung là xã hội hóa giáo dục). Phát triển nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả việc phát triển giáo dục mở, tạo ra một khung hành động chính sách cụ thể. Qua đó thực hiện các mục tiêu của giáo dục ở các cấp học; tạo những tiền đề thuận lợi thu hút nguồn lực phục vụ cho phát triển giáo dục mở của Việt Nam.

Các chính sách cần được duy trì và phát triển lâu dài, được triển khai ở cả cấp Chính phủ và cấp địa phương, doanh nghiệp, tổ chức;cần trực tiếp hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập; cần có định hướng rõ ràng kết hợp giữa thể chế hóa với các sáng kiến nhằm huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục mở./.

TS. Lê Thị Mai Hoa/TGPhó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề,Ban Tuyên giáo Trung ương