Biên giới biển việt nam

     

TBT Việt Nam chia sẻ tới Quý độc giả các thông tin hữu ích về biên giới quốc gia trên biển qua bài viết này. Quý độc giả khi có các thắc mắc như: Biên giới quốc gia trên biển là gì? Đường biên giới quốc gia trên biển của nước ta thuộc vùng nào? đừng bỏ qua nội dung bài viết dưới đây của chúng tôi.

Bạn đang xem: Biên giới biển việt nam

Cơ sở pháp lý để xác định đường biên giới quốc gia trên biển

– Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982);

– Luật biển Việt Nam 2012.

Đường biên giới quốc gia trên biển là gì?


Đường biên giới quốc gia trên biển là ranh giới ngoài của lãnh hải theo quy định tại Điều 11 Luật biển Việt Nam 2012.

Theo Điều 2 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: ” Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và các vùng nội thủy tới một vùng biển tiếp giáp với chúng, dưới tên gọi là lãnh hải và có bề rộng không vượt quá 12 hải lý”.


Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

*

Đường biên giới quốc gia trên biển của nước ta thuộc vùng nào?

Ngoài việc giải đáp thắc mắc: Biên giới quốc gia trên biển là gì? Chúng tôi tiếp tục chia sẻ những thông tin có liên quan đến biên giới quốc gia trên biển của nước ta.


Theo quy định Điều 11 Luật biển Việt Nam 2012:

“ Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển.

Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam”.


Từ quy định trên có thể thấy, đường biên giới quốc gia trên biển thuộc vùng nước lãnh hải của quốc gia ven biển.

Xem thêm: Trườn Thcs Nguyễn An Ninh Quận 12, Trườn Thcs Nguyễn An Ninh

Bên cạnh đó, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 còn quy định các đặc điểm cơ bản nhất của các vùng biển khác của mỗi quốc gia, cụ thể:


Điều 33 quy định: “ Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải và có chiều rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở”.

Theo Điều 55 và Điều 67: “ Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, … Vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng không quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”.

Khoản 1 Điều 76 quy định: “ Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoại của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”.


Như vậy, không chỉ là ranh giới bên ngoài của vùng lãnh hải mà đường biên giới quốc gia trên biển còn là ranh giới bên trong của vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

Ý nghĩa của việc xác định đường biên giới quốc gia trên biển?

Việc xác định đường biên giới quốc gia trên biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đường biên giới quốc gia trên biển vừa là minh chứng thực thực tiễn vừa là căn cứ pháp lý để phân định ranh giới các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia với vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia.

Dựa vào đường biên giới quốc gia trên biển, có thể khẳng định rằng các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia là các vùng biển nằm phía trong đường biên giới quốc gia trên biển và là bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia trên biển, cụ thể đó là nội thủy và lãnh hải.

Từ việc phân định được các vùng biển, đây cũng chính là tiền đề để xác định tính chất chủ quyền của quốc gia ven biển đối với những vùng biển đó trong quá trình tham gia các quan hệ quốc tế, giải quyết các công việc phát sinh trong quan hệ đời sống quốc tế.

Ví dụ: Đối với vùng nội thủy quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ; Đối với vùng lãnh hải, quốc gia ven biển có chủ quyền ở mức độ hoàn toàn và đầy đủ; còn đối với các vùng biển còn lại, quốc gia ven biển chỉ có quyền chủ quyền (quyền năng hạn chế hơn chủ quyền của quốc gia).

Qua nội dung chia sẻ về biên giới quốc gia trên biển là gì? TBT Việt Nam mong rằng Quý độc giả hiểu đúng và đủ hơn về biên giới quốc gia trên biển nói chung và biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam nói riêng, nâng cao tinh thần bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Bài viết mong nhận được những góp ý từ Quý độc giả để thêm hoàn thiện, trân trọng!