Báo cáo sáng kiến kinh nghiệm 2018

     

II. Lĩnh vực áp dụng: Áp dụng trong công tác tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non.

Bạn đang xem: Báo cáo sáng kiến kinh nghiệm 2018

III. Thực trạng trước khi áp dụng sáng kiến.

Hoạt động ngoài trời là một trong những hoạt động hàng ngày của trẻ ở trường mầm non, đây là một hoạt động thu hút được trẻ tham gia một cách tích cực. Hoạt động ngoài trời có nhiều ưu thế để phát triển mọi mặt cho trẻ mà ít thời điểm sinh hoạt nào trong ngày có thể so sánh được. Trẻ có hiểu biết tốt hơn khi tham gia vào các hoạt động quan sát, khám phá, tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên. Trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn khi được thỏa mãn nhu cầu vận động trong môi trường thuận lợi. Trẻ được tăng cường mối quan hệ giao lưu với bạn bè và mọi người xung quanh, học cách hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ và nhường nhịn nhau, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, dễ dàng thích nghi, hòa nhập trong môi trường xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức cho trẻ hoạt động ngoài trời tại lớp tôi phụ trách, vẫn còn một số hạn chế như sau:

Việc tổ chức hoạt động ngoài trời với các nội dung đơn giản, chủ yếu còn phụ thuộc vào các đồ dùng sẵn có. Ít các hoạt động thí nghiệm, trải nghiệm

Trẻ chưa phát huy được tính tích cực, chủ động của mình khi tham gia hoạt động. nên chưa tích lũy được nhiều kiến thức, kĩ năng trong hoạt động ngoài trời.

Một số phụ huynh chưa hiểu được tầm quan trọng của hoạt động ngoài trời mà chỉ nghĩ hoạt động ngoài trời chỉ là chơi mà không phải là học nên chưa tích cực với việc hỗ trợ giáo viên những nguyên vật liệu trong việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ.

Với mục đích nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá, phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ, tôi đưa ra và áp dụng sáng kiến: “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ 3 - 4 tuổi tại trường Mầm non Duyệt Trung”

IV. Mô tả bản chất của sáng kiến

1. Tính mới, tính sáng tạo, tính khoa học

Sáng kiến “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ 3 – 4 tuổi tại trường Mầm non Duyệt Trung” mang tính mới, không trùng với sáng kiến của các năm học trước. Được thực hiện thông qua một số giải pháp sau:

* Giải pháp 1: Tăng cường các hoạt động thí nghiệm cho trẻ trong hoạt động ngoài trời.

Thay vì đưa vào hoạt động ngoài trời các nội dung đơn giản như: Quan sát, dạo chơi..., tôi tăng cường cho trẻ được trực tiếp tham gia các hoạt động thí nghiệm, trải nghiệm ở ngoài trời.

Việc sử dụng trò chơi, thí nghiệm đơn giản luôn tạo cho trẻ sự hứng thú, kích thích trẻ tích cực hoạt động, phát triển ở trẻ tính tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi, phát triển óc quan sát, phán đoán và các năng lực hoạt động trí tuệ....

Với mỗi chủ đề khác nhau, tôi linh hoạt trong việc lựa chọn các hoạt động thí nghiệm phù hợp chủ đề và phù hợp độ tuổi.

Ví dụ: Với chủ đề: Thực vật

Tôi và trẻ làm thí nghiệm: “Trồng cây bằng gì”. Giúp trẻ hiểu được ngoài cách trồng cây bằng hạt, ngưởi ta có thể trồng cây bằng cành, bằng lá hoặc bằng củ. Cô tổ chức cho trẻ đem trồng 1 số cành cây khoai lang, cây trạng nguyên, lá bỏng... và thử xem điều gì sẽ xảy ra, cho trẻ đoán chậu nào có các mầm cây mọc lên. Hàng ngày, cô cùng trẻ tưới nước đủ độ ẩm để cây phát triển, cho trẻ nhận xét sự thay đổi diễn ra trong các chậu cây trồng.

Với chủ đề: Giao thông

Tôi tổ chức cho trẻ làm thí nghiệm: Thuyền bằng xốp chuyển động trên nước. Cô cho trẻ được trực tiếp cùng cô làm thuyền bằng xốp với guồng quay bằng thanh gỗ và dây nịt, khi cuốn guồng quay và thả thuyền xuống chậu nước, thuyền sẽ chuyển động.

Với chủ đề: Nước và các hiện tượng tự nhiên có thể thực hiện được rất nhiều thí nghiệm như: Không khí ở quanh bé, sự bốc hơi của nước, nước đổi màu, bong bóng tự thổi...

Tôi nhận thấy, khi tham gia các hoạt động thí nghiệm, trê nào cũng vô cùng thích thú, say mê.

* Giải pháp 2: Tận dụng các điều kiện thực tế của đơn vị giúp trẻ có những trải nghiệm thực tiễn

Nhận thấy, trường nằm trên địa bàn có nhiều điều kiện có thể tổ chức cho trẻ trải nghiệm, tôi và giáo viên cùng lớp đã thống nhất và lựa chọn các hoạt động phù hợp. Cụ thể:

- Trong chủ đề gia đình, thay vì chỉ cho trẻ quan sát các ngôi nhà như bình thường, tôi tổ chức cho lớp tới thăm nhà bạn Gia Bảo - Một bạn ở trong lớp có nhà ở gần trường, trẻ có thể đi bộ tới được. Tới thăm nhà bạn, tôi giáo dục trẻ bắt đầu từ câu chào hỏi các thành viên trong gia đình, trẻ được trực tiếp trải nghiệm với một số đồ dùng và các phòng trong gia đình bạn. Với cách tổ chức như vậy, một cách rất tự nhiên, trẻ đã được củng cố thêm một lần nữa những kiến thức về đồ dùng gia đình, về không khí gia đình mà giáo viên đã cung cấp tại lớp.

- Hay trong chủ đề “Thực vật”: Nắm bắt được thời điểm lúa trổ bông , tôi tổ chức cho trẻ đi quan sát cánh đồng lúa ở gần trường. Tôi cho trẻ được nói lên cảm nhận của mình khi được nhìn thấy cánh đồng lúa, tự mình dùng tay sờ từng bông lúa...Gợi mở trẻ để trẻ biết về nỗi vất vả của người nông dân với quy trình làm ra hạt gạo từ đó trẻ tự ý thức được phải quý trọng hạt gạo, ăn hết xuất và yêu quý người nông dân.

Tại vườn rau, tôi cho trẻ quan sát công việc của người làm vườn sau đó cho trẻ được tự bản thân được trải nghiệm các công việc của các bác nông dân như: làm đất tơi, nhặt cỏ, trồng rau, tưới rau,.... Trong quá trình trải nghiệm, tôi tận dụng một số tình huống tự nhiên để khuyến khích trẻ tìm ra cách khắc phục và giải quyết.

- Trong chủ đề “Giao thông” tôi không chỉ cho trẻ quan sát một chiếc xe máy mà tôi đã đưa trẻ ra phía nhà để xe của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, tổ chức cho trẻ quan sát, nêu nhận xét về các loại xe. Trẻ so sánh được đặc điểm giống nhau, khác nhau giữa các loại xe máy.

Xem thêm: Tạp Chí Bóng Đá, Báo Bóng Đá, Kết Quả Bóng Đá Plus, Tin Thể Thao

* Giải pháp 3: Sử dụng các nguyên vật liệu mở, sẵn có ở địa phương nhằm tạo sự gần gũi, hứng thú của trẻ khi tham gia hoạt động ngoài trời

Việc tận dụng các nguyên vật liệu mở, sẵn có tại địa phương có thể tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ ở trường mầm non, nó đem lại hiệu quả cao cho trẻ trong việc phát triển trí tượng tượng, sáng tạo và cảm xúc cho trẻ. Bên cạnh đó việc sử dụng các nguyên vật liệu mở giúp trẻ ý thức được việc tiết kiệm mua sắm nguyên vật liệu, đồ chơi Trong các giờ hoạt động chơi ngoài trời tôi luôn khuyến khích trẻ sưu tầm và tự tạo ra một số nguyên vật liệu có sẵn trong trường để chơi như: Lá cây ( ghép các con vật từ các loại lá cây; làm mũ từ lá cây; làm kèn bằng lá chuối, đồng hồ bằng lá chuối, con nghé bằng lá mít...); rơm khô ( làm búp bê, tết tóc...) cành cây khô, cát, sỏi, nắp chai ....Trẻ lớp tôi rất hứng thú với những hoạt động này nó vừa mang tính vui chơi lại tạo ra được một nguồn nguyên liệu đa dạng để làm ra những sản phẩm tuỳ ý thích của trẻ.

Giải pháp 4: Làm tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh.

Ở trường mầm non, công tác tuyên truyền phối hợp với phụ huynh đóng vai trò quan trọng, để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung cũng như hoạt động ngoài trời nói riêng giáo viên cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo mối quan hệ mật thiết với gia đình trẻ.

Qua giờ đón trả trẻ hay những buổi họp phụ huynh tôi phổ biến đến cho phụ huynh về tầm quan trọng của hoạt động ngoài trời đến sự phát triển ở trẻ, vì thế phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ được tham gia vào các hoạt động vui chơi, cũng như hoạt động của gia đình, cung cấp cho trẻ những kiến thức về thế giới xung quanh.

Ví dụ như: Cho trẻ đi chơi công viên vườn hoa quan sát và trò chuyện với trẻ về cảnh vật, cây cối, hoa lá, quan sát các cô chú công nhân chăm sóc cho cây hay cho những con thú ăn… hay đi du lịch, siêu thị cùng gia đình. Qua những buổi đi chơi cùng gia đình đó trẻ cũng có thêm được một số hiểu biết về sự vật xung quanh không khác gì những giờ học trên lớp.

Không dừng lại ở đấy qua công tác tuyên truyền, phụ huynh còn ủng hộ các vật liệu để cô tận dụng vào làm những đồ chơi vận động cho trẻ và trực tiếp cùng cô làm đồ chơi cho trẻ.

2. Hiệu quả:

* Đối với giáo viên:

- Kiến thức, kĩ năng tổ chức hoạt động ngoài trời của cô được nâng cao rõ rệt. Giáo viên có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thiết kế nội dung hoạt động ngoài trời cho trẻ. Tích lũy được kinh nghiệm trong công tác phối kết hợp với phụ huynh để tạo cho trẻ cơ hội phát triển toàn diện về mọi mặt.

* Đối với phụ huynh:

- Đa số các bậc phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục trẻ mầm non nói chung và hoạt động ngoài trời nói riêng trong việc giúp hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ; Nhiệt tình phối kết hợp giúp giáo viên ủng hộ những nguyên vật liệu mở, sẵn có để cô làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ trong công tác giảng dạy và học tập của trẻ.

* Đối với trẻ:

- Trẻ chủ động, tích cực và hứng thú hơn khi tham gia hoạt động. Tích lũy được nhiều kiến thức, kĩ năng trong hoạt động ngoài trời.

* Cụ thể:

Nội dung

SL trẻ

Trước thực nghiệm

Sau thực nghiệm

Mức độ

Mức độ

Tốt

Khá

TB

Tốt

Khá

TB

Trẻ hứng thú tham gia hoạt động

28 cháu

16/28

= 57,1%

8/28

= 28,6%

4/28

= 14,2%

27/28

=96,4 %

1/28

=3,6 %

0

Tích cực, chủ động khi tham gia hoạt động

28 cháu

14/28

= 50%

8/28

= 28,6%

6/28

= 21,4 %

24/28

=85,8 %

4/28

= 14,2%

0

Tích lũy được kiến thức, kĩ năng khi tham gia hoạt động

28 cháu

14/28

= 50 %

7/28

= 25 %

7/28

= 25%

22/28

=78,6 %

6/28

= 21,4%

0

3. Khả năng và các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến.

* Khả năng áp dụng sáng kiến

Sáng kiến “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ 3 - 4 tuổi tại trường Mầm non Duyệt Trung” đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong việc tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ tại trường Mầm non Duyệt Trung- Thành phố Cao Bằng. Sáng kiến có thể được áp dụng phổ biến, rộng rãi và phù hợp đối với các trường mầm non trên địa bàn tỉnh.

* Điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

- Giáo viên phải biết tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, mạng internet, chuyên môn và đồng nghiệp

- Phải lựa chọn nội dung cụ thể, phù hợp với độ tuổi cũng như tình hình thực tế của trường, lớp.

- Cần có sự ủng hộ, quan tâm và phối hợp từ các bậc phụ huynh

4. Thời gian áp dụng sáng kiến:

Sáng kiến “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ 3 - 4 tuổi tại trường Mầm non Duyệt Trung” được thực hiện trong năm học 2017 - 2018.

V. Kết luận.

Đối với trẻ hoạt động ngoài trời là một hoạt động không thể thiếu vì trẻ sẽ được hít thở không khí trong lành, được quan sát thế giới xung quanh khám phá những điều mới lạ từ thiên nhiên giúp trẻ nhận thức được thế giới xung quanh bằng cách tiếp xúc, tìm hiểu, khám phá và quan tâm đến những gì xảy ra ở cuộc sống xung quanh mình. Trẻ thoả mãn nhu cầu hoạt động, nhu cầu tìm hiểu, khám phá của trẻ. Hoạt động ngoài trời tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và hứng thú với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống, góp phần tích cực trong sự phát triển toàn diện của trẻ./.