Bản chất và hiện tượng trong triết học

     

Nắm được cặp phạm trù bản chất và hiện tượng sẽ giúp chúng ta vạch rõ được ranh giới giữa những yếu tố cốt lõi và những đặc điểm bề ngoài của sự vật, hiện tượng. Từ đó, ta sẽ có phương hướng, biện pháp phù hợp với mục đích đề ra.

Bạn đang xem: Bản chất và hiện tượng trong triết học


– Trong hoạt động nhận thức, để hiểu đầy đủ về sự vật, ta không nên dừng lại ở hiện tượng mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của nó.
– Trong quá trình nhận thức bản chất của sự vật phải xem xét rất nhiều hiện tượng khác nhau từ nhiều góc độ khác nhau.

I. Khái niệm bản chất và hiện tượng

Bản chất là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định ở bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó.

Ví dụ: Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống. Nếu ai đó không có bất cứ mối quan hệ xã hội nào, dù nhỏ nhất, thì người đó chưa phải là con người theo đúng nghĩa.

Hiện tượng là sự biểu hiện của những mặt, những mối liên hệ thuộc bản chất của sự vật, hiện tượng ra bên ngoài.

Ví dụ: Màu da cụ thể của một người nào đó là trắng, vàng hay đen… chỉ là hiện tượng, là vẻ bề ngoài.


Bản chất chính là mặt bên trong, mặt tương đối ổn định của hiện thực khách quan. Nó ẩn giấu đằng sau cái vẻ bề ngoài của hiện tượng và biểu lộ ra qua những hiện tượng ấy.

Còn hiện tượng là mặt bên ngoài, mặt di động và biến đổi hơn của hiện thực khách quan. Nó là hình thức biểu hiện của bản chất.

*
*
Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Màu da chỉ là hiện tượng, vẻ bề ngoài. Ảnh: Educationusa.state.gov.

– Phạm trù bản chất gắn bó hết sức chặt chẽ với phạm trù cái chung.

Cái tạo nên bản chất của một lớp sự vật nhất định cũng đồng thời là cái chung của các sự vật đó.

Nhưng không phải cái chung nào cũng là cái bản chất. Vì bản chất chỉ là cái chung tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật.

– Cái bản chất cũng đồng thời là cái có tính quy luật.

Tức là, tổ hợp những quy luật quyết định sự vật động, phát triển của sự vật chính là bản chất của sự vật ấy. Lê-nin viết: “Quy luật và bản chất là những khái niệm cùng một loại (cùng một bậc), hay nói đúng hơn là cùng một trình độ…”


Ví dụ: Quy luật giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Quy luật này chi phối toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, quy luật này cũng là bản chất của chủ nghĩa tư bản. Bản chất đó cho thấy chủ nghĩa tư bản luôn có mục tiêu sản xuất giá trị thặng dư càng nhiều càng tốt.

– Tuy cùng trình độ, nhưng bản chất và quy luật không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Phạm trù bản chất rộng hơn và phong phú hơn phạm trù quy luật:

+ Quy luật là mối liên hệ tất nhiên, phổ biến, lặp đi lặp lại, ổn định giữa các hiện tượng hay giữa các mặt của cùng một hiện tượng.

+ Còn bản chất là tổng hợp tất cả những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong sự vật, tức là ngoài những mối liên hệ chung, nó còn những mối liên hệ riêng chỉ nó mới có.

II. Mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, bản chất và hiện tượng có mối quan hệ biện chứng như sau:

1. Bản chất và hiện tượng tồn tại khách quan trong cuộc sống.

– Cả bản chất và hiện tượng đều có thực, tồn tại khách quan bất kể con người có nhận thức được hay không.

Lý do là vì:

+ Bất kỳ sự vật nào cũng được tạo nên từ những yếu tố nhất định. Các yếu tố ấy tham gia vào những mối liên hệ qua lại, đan xen chằng chịt với nhau, trong đó có những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định. Những mối liên hệ này tạo nên bản chất của sự vật.

+ Sự vật tồn tại khách quan. Mà những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định lại ở bên trong sự vật, do đó, đương nhiên là chũng cũng tồn tại khách quan.

+ Hiện tượng chỉ là sự biểu hiện của bản chất ra bên ngoài để chúng ta nhìn thấy, nên hiện tượng cũng tồn tại khách quan.

2. Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng.

– Không những tồn tại khách quan, bản chất và hiện tượng còn có mối liên hệ hữu cơ, gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau.

– Mỗi sự vật đều là sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng.

Sự thống nhất đó thể hiện trước hết ở chỗ:

+ Bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng. Bất kỳ bản chất nào cũng được bộc lộ qua những hiện tượng tương ứng.

+ Hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của bản chất. Bất kỳ hiện tượng nào cũng là sự bộc lộ của bản chất ở mức độ nào đó nhiều hoặc ít.

Về căn bản, bản chất và hiện tượng phù hợp với nhau. Không có bản chất nào tồn tại một cách thuần túy, không cần có hiện tượng. Ngược lại, cũng không có hiện tượng nào lại không phải là sự biểu hiện của một bản chất nhất định.

– Bản chất khác nhau sẽ bộc lộ ra những hiện tượng khác nhau.

Khi bản chất thay đổi thì hiện tượng tương ứng với nó cũng sẽ thay đổi theo. Khi bản chất mất đi thì hiện tượng biểu hiện nó cũng mất đi.

Xem thêm: Làm Sao Để Đến Trường Thpt Vĩnh Lộc Quận Bình Tân, Thpt Vĩnh Lộc

– Chính nhờ có sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng, giữa cái quy định sự vận động, phát triển của sự vật với những biểu hiện nghìn hình, vạn vẻ của nó mà ta có thể tìm ra cái chung trong nhiều hiện tượng cá biệt, tìm ra quy luật phát triển của những hiện tượng ấy.

3. Tuy thống nhất với nhau, bản chất và hiện tượng cũng có sự mâu thuẫn.

– Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng là sự thống nhất biện chứng.

Tức là, trong sự thống nhất ấy đã bao hàm sự khác biệt.

Nói cách khác, tuy bản chất và hiện tượng thống nhất với nhau, về căn bản là phù hợp với nhau, nhưng chúng không bao giờ phù hợp với nhau hoàn toàn.

Sở dĩ như vậy là vì bản chất của sự vật bao giờ cũng được thể hiện ra thông qua sự tương tác của sự vật ấy với những sự vật xung quanh. Các sự vật xung quanh này trong quá trình tương tác đã ảnh hưởng đến hiện tượng, đưa vào nội dung của hiện tượng những thay đổi nhất định.

Kết quả là, hiện tượng biểu hiện bản chất nhưng không phải là sự biểu hiện y nguyên bản chất.

– Sự không hoàn toàn trùng khớp khiến cho sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng là một sự thống nhất mang tính mâu thuẫn.

Tính mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng thể hiện ở chỗ:

+ Bản chất phản ánh cái chung tất yếu, cái chung quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật. Còn hiện tượng phản ánh cái cá biệt.

Vì vậy, cùng một bản chất có thể biểu hiện ra ngoài bằng vô số hiện tượng khác nhau tùy theo sự biến đổi của của điều kiện và hoàn cảnh.

Nội dung cụ thể của mỗi hiện tượng phụ thuộc không những vào bản chất, mà còn vào hoàn cảnh cụ thể, trong đó bản chất được biểu hiện. Chính vì thế, hiện tượng phong phú hơn bản chất. Ngược lại, bản chất sâu sắc hơn hiện tượng.

+ Bản chất là mặt bên trong ẩn giấu sâu xa của hiện thực khách quan. Còn hiện tượng là mặt bên ngoài của hiện thực khách quan ấy.

Các hiện tượng biểu hiện bản chất không phải dưới dạng y nguyên như bản chất vốn có mà dưới hình thức đã được cải biến, nhiều khi xuyên tạc nội dung thực sự của bản chất. Ví dụ: Nhúng một phần cái thước vào chậu nước, ta thấy cái thước gấp khúc, trong khi thực tế cái thước vẫn thẳng.

– Bản chất tương đối ổn định, biến đổi chậm. Còn hiện tượng không ổn định, nó luôn luôn trôi qua, biến đổi nhanh hơn so với bản chất.

Có tình hình đó là do nội dung của hiện tượng được quyết định không chỉ bởi bản chất của sự vật, mà còn bởi những điều kiện tồn tại bên ngoài của nó, bởi tác động qua lại của nó với các sự vật xung quanh.

Các điều kiện tồn tại bên ngoài đó và sự tác động qua lại của sự vật này với sự vật khác lại thường xuyên biến đổi. Vì vậy, hiện tượng thường xuyên biến đổi, trong khi bản chất vẫn giữa nguyên.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bản chất luôn giữ nguyên như cũ từ lúc ra đời cho đến lúc mất đi. Mà bản chất cũng biến đổi, nhưng là biến đổi rất chậm so với hiện tượng.

III. Ý nghĩa phương pháp luận

– Trong hoạt động nhận thức, để hiểu đầy đủ về sự vật, ta không nên dừng lại ở hiện tượng mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của nó.

Nhiệm vụ của nhận thức nói chung, của khoa học nhận thức nói riêng là phải vạch ra được bản chất của sự vật.

Còn trong hoạt động tực tiễn, cần dựa vào bản chất chứ không phải dựa vào hiện tượng.

– Vì bản chất tồn tại khách quan ở ngay trong bản thân sự vật nên chỉ có thể tìm ra bản chất sự vật ở bên trong sự vật ấy chứ không phải ở bên ngoài nó. Khi kết luận về bản chất của sự vật, cần tránh những nhận định chủ quan, tùy tiện.

– Vì bản chất không tồn tại dưới dạng thuần túy mà bao giờ cũng bộc lộ ra bên ngoài thông qua các hiện tượng tương ứng của mình nên chỉ có thể tìm ra cái bản chất trên cơ sở nghiên cứu các hiện tượng.

– Trong quá trình nhận thức bản chất của sự vật phải xem xét rất nhiều hiện tượng khác nhau từ nhiều góc độ khác nhau.

Sở dĩ như vậy vì hiện tượng bao giờ cũng biểu hiện bản chất dưới dạng đã cải biến, nhiều khi xuyên tạc bản chất.

Nhưng trong một hoàn cảnh và một phạm vi thời gian nhất định ta không bao giờ có thể xem xét hết được mọi hiện tượng biểu hiện bản chất của sự vật. Do vậy, ta phải ưu tiên xem xét trước hết các hiện tượng điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

Dĩ nhiên, kết quả của một sự xem xét như vậy chưa thể phản ánh đầy đủ bản chất của sự vật. Mà đó mới chỉ phản ánh một cấp độ nhất định của nó. Quá trình đi vào nắm bắt các cấp độ tiếp theo, ngày càng sâu sắc hơn trong bản chất của sự vật là một quá trình hết sức khó khăn, lâu dài, công phu, không có điểm dừng.

Cũng chính vì vậy, khi kết luận về bản chất của sự vật, chúng ta cần hết sức thận trọng.

tiengtrungquoc.edu.vn

Xin mời các bạn đưa ra một vài bình luận để bài viết có thể hoàn thiện hơn.

Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn hãy để lại câu hỏi ở phần comment để mình có thể giải đáp khi thời gian cho phép nhé!