Bài phát biểu khai mạc hội nghị

     

*

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị TW 12

Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Theo chương trình vừa được Trung ương thông qua, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác.

Bạn đang xem: Bài phát biểu khai mạc hội nghị

Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các đồng chí Ủy viên Trung ương cùng các đại biểu tham dự Hội nghị lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.

Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến, có tính chất nêu vấn đề để các đồng chí quan tâm nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định.

1. Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII

Tại Hội nghị hôm nay, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được bàn tại các Hội nghị tiếp theo.

Việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta. Chúng ta đã trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự báo những năm sắp tới, thời cơ và thách thức đối với nước ta đều rất lớn. Do đó, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Vừa qua, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XII gần đây của Đảng, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Sau khi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị lần đầu, Tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các đồng chí Ủy viên Trung ương đều cơ bản nhất trí với dự thảo; cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm công tác nhân sự của các khóa trước. Tiểu ban Nhân sự đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị lần thứ hai trước khi trình Hội nghị Trung ương hôm nay.

Xem thêm: Giải Vnen Toán Lớp 7 Bài Nhân Chia Số Hữu Tỉ, Giải Vnen Toán 7 Bài 3: Nhân, Chia Số Hữu Tỉ

Trong Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII; về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương. Tôi đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm? Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...

2. Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Đề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn chỉnh Đề án trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị này.

Đề án đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.

Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.

Đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử. Chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân phường; ngày bầu cử dự kiến... và các công việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.